Chăm sóc và nuôi dạy con là trách nhiệm tối thiểu của cha mẹ. Tuy nhiên ở những gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, việc để ông bà chăm sóc con nhỏ là lựa chọn tốt nhất để phụ huynh cân bằng giữa công việc và gia đình. Mâu thuẫn xung quanh cách chăm sóc trẻ em giữa 2 thế hệ cũng vì thế mà thường xuyên xảy ra, nhất là với cách nuôi con “tiến bộ” của giới trẻ ngày nay.

>> Xem thêm: Thời trang ăn cưới của giới trẻ hiện nay: "Thoáng" như đi biển
Nuôi con rốt cuộc nên nghe ai?
Sự phát triển chóng mặt trong tất cả khía cạnh đời sống, xã hội có tác động lớn đến những phụ huynh hiện đại, khoảng cuối Gen Y và đầu Gen Z. Họ luôn được cho là những bậc cha mẹ có kiến thức trong việc nuôi dạy con một cách khoa học bởi những sách vở, tài liệu và các chương trình dành cho phụ huynh rất dễ tìm kiếm mà ai cũng có thể áp dụng.
Dù có đầy đủ điều kiện để chăm sóc con với một tư duy tiến bộ song giới trẻ ngày nay ít ai dành hết thời gian cho gia đình. Sau khi sinh con họ lại lao đầu vào công việc hoặc các buổi ăn chơi xã giao, nên con cái thường gửi nhờ ông bà chăm sóc với quan niệm “trẻ nuôi con, già chăm cháu”.
Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu hay thống kê chuyên biệt nào về hiện tượng ông bà chăm cháu nhưng thực tế cho thấy, con số này không ít. Điều tra mới nhất của Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển công bố cho thấy, có khoảng 61% người cao tuổi toàn quốc đang sống với ít nhất một người con ruột. Sống chung và trông nom cháu giúp con cái là việc gần như không thể tránh khỏi.
Khi giao phó con cái cho ông bà, đứa trẻ chắc chắn bị ảnh hưởng bởi ông bà nhiều hơn là bố mẹ. Cách giáo dục của thế hệ trước cũng tác động trực tiếp đến sự phát triển của con trẻ, mà điều này theo nhiều bậc phụ huynh là không thích hợp, họ muốn thế hệ trước phải thay đổi cách giáo dục hiện đại.

Trên các trang web có rất nhiều bài viết chia sẻ của chuyên gia y tế về cách chăm sóc con trẻ, những hội nhóm tâm sự mẹ bỉm cũng liên tục mọc lên. Điều này vô hình trung làm bậc cha mẹ tiếp thu được nhiều cách nuôi dạy con hiện đại rồi cho rằng quan điểm của những người đi trước là lỗi thời.
Ông bà thường can thiệp vào cách dạy con của bố mẹ, hơn nữa còn có một số ông bà cổ hủ, khăng khăng áp dụng các kinh nghiệm lỗi thời, mẹo chăm sóc trẻ bằng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc hoặc những phương pháp dạy trẻ thiếu khoa học. Dẫu biết ông bà chỉ muốn tốt cho cháu nhưng nhiều cha mẹ vẫn lo sợ với những mẹo tự chế ấy.
Tốt nhất là nên có một cuộc họp gia đình để bố mẹ chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của ông bà. Nếu không, bạn có thể tìm cách để trò chuyện với ông hoặc bà, với người nào có tâm thế cởi mở hơn trong nuôi dạy trẻ. Bố mẹ cũng nên nói rõ về những vấn đề liên quan đến chăm sóc con với ông bà.

>> Xem thêm: Yêu cầu ngoại hình trong công việc: Thay đổi bản thân hay công việc?
Thay vì chê trách ông bà không làm tốt việc chăm sóc cháu, bố/ mẹ có thể sử dụng chiêu ''lạt mềm buộc chặt'' như mua quà cho ông bà dù không phải dịp lễ Tết, nói lời cảm ơn ông bà đã vất vả chăm cháu. Hoặc cuối tuần đưa trẻ ra ngoài chơi để ông bà có thời gian nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sở thích cá nhân của mình.
Gánh nặng chăm sóc con cháu
Nghiên cứu “Già hóa dân số và người cao tuổi Việt Nam” của Tổng cục thống kê cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, 35% số này vẫn làm việc tạo thu nhập, còn lại là lao động tự làm và lao động gia đình không được trả lương, trong đó có chăm sóc cháu.
Với những ông bà có lương hưu và sẵn sàng chăm sóc cháu hộ các con thì không nói nhưng đâu đó vẫn còn rất nhiều người không thể an nhàn tuổi già vì trách nhiệm “già chăm cháu”. Chính vì vậy đôi khi họ không đủ thời gian tìm hiểu các biện pháp khoa học mà chỉ áp dụng dập khuôn từ cách nuôi con sang nuôi cháu.

Có ông bà vừa mới nghỉ hưu, thậm chí phải nghỉ hưu sớm để chăm cháu thay con. Ở cái tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, thư thái thì họ buộc phải sống lặp đi lặp lại một giai đoạn cuộc đời mà người ta gọi là nuôi con mọn lần hai. Mong muốn bao bọc con cái, suy nghĩ giúp tiết kiệm đồng nào hay đồng đấy khiến nhiều người cao tuổi dẹp hết mong muốn cá nhân, dành thời gian cho thế hệ sau.
Giới trẻ trước khi sinh con nên chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe, kinh tế... đảm bảo chăm lo tốt nhất cho trẻ, thay vì dựa dẫm vào bố mẹ. Ai cũng có cuộc sống riêng, song nhiều người con vẫn cho rằng, nghỉ hưu là ông bà rảnh rỗi, không có việc gì làm... nên ra sức tận dụng, thậm chí còn ỷ lại vào lòng tốt của bố mẹ mà phó mặc con cái bởi suy nghĩ đã có ông bà lo.
Nếu ông bà khỏe mạnh và vui vẻ chăm cháu, cũng chỉ nên gửi gắm vào khung giờ nhất định, dành cho họ thời gian tự do để nghỉ ngơi. Nếu ông bà không có lương hưu hoặc kinh tế không dư dả, hãy biếu họ khoản tiền nhỏ. Không phải ai cũng đồng ý nhận tiền trông cháu, nhưng đó là việc nên làm.

Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020 về tiêu chí gia đình hạnh phúc tại TP HCM đưa ra một số liệu đáng chú ý: Chỉ có 54% người cao tuổi hài lòng với việc sống chung trong gia đình có từ ba thế hệ trở lên.
Với nhiều người cao tuổi, việc chăm sóc trẻ có thể không phải là vấn đề lớn, điều khiến họ lo lắng hơn là sự phàn nàn của con cái và nỗi cô đơn khi phải ở một nơi xa lạ. Cách chăm sóc con trẻ đối lập nhau giữa các thế hệ là rào cản lớn khiến tình cảm gia đình có nguy cơ bị xa cách dần.
Có người nói làm cha mẹ mà không chăm sóc, dạy dỗ con, phó thác con cho ông bà, là những người thiếu trách nhiệm. Ông bà mà nhận giữ cháu, đôi khi gián tiếp làm hư con cháu. Ông bà khác thế hệ, khác tư duy và thói quen; chưa kể nhiều ông bà thương cháu hơn thương con, việc chiều chuộng cũng dễ khiến cháu hư.
Khi sống chung một nhà, việc mâu thuẫn giữa hai thế hệ là khó tránh khỏi. Với quan điểm ''trứng không thể khôn hơn vịt'', ông bà luôn cho rằng cách chăm sóc đến dạy dỗ của mình là đúng đắn. Hay nói thẳng ra là ông bà không tin tưởng bố mẹ có thể chăm sóc và dạy trẻ tốt hơn mình.

>> Xem thêm: Cô gái lủi thủi rửa bát đến rộp tay ra mắt nhà bạn trai dịp Tết
Nhiều thế hệ ông bà có quan điểm rất cởi mở, tiếp thu cái mới và tôn trọng lối sống cũng như quan điểm dạy cháu của con. Nếu ông bà thuộc tuýp như vậy, nhiệm vụ của bố mẹ là nhẹ nhàng bày tỏ ranh giới, các quy định chăm sóc và dạy trẻ trong gia đình và đề nghị ông bà tuân thủ.
Xem thêm nhiều bài viết hay, hấp dẫn tại Bestie!
HỌC HỎI MẸO DỌN NHÀ CỰC ĐỈNH CỦA NGƯỜI NHẬT: GỌN GÀNG NHANH CHÓNG
Trên thực tế, diện tích của căn nhà chỉ là thứ yếu để tạo nên một không gian sống rộng rãi, thoáng mát. Bởi lẽ, nếu biết cách dọn dẹp thì cỡ nào bạn cũng sẽ có một không gian thoải mái để sinh hoạt.
Hãy đặt cho mình một chiếc lịch trình cụ thể về việc dọn dẹp nhà cửa, bám sát vào đó để dọn dẹp theo định kì thì nhà của bạn lúc nào cũng trong trạng thái sạch đẹp. Ngoài ra, việc thường xuyên sắp xếp lại đồ đạc, hạn chế mua sắm linh tinh cũng là cách hay để nhà cửa được khang trang, thoáng đạt.