Trong không khí hân hoan của đợt nghỉ lễ kéo dài, người lao động ở các thành phố lớn hiện tại đã rục rịch hành trang chuẩn bị về quê ăn lễ cùng gia đình. Năm nay kỳ nghỉ lễ kéo dài đến 5 ngày, theo công văn của Văn phòng chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phê duyệt quyết định nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong năm 2023. Theo đó, Giỗ Tổ Hùng Vương rơi vào ngày 29/4 dương lịch (thứ Bảy), ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4) rơi vào Chủ nhật, tiếp đến ngày Quốc tế Lao động (1/5) rơi vào thứ Hai.
Người lao động sẽ tiếp tục được nghỉ thứ Ba và thứ Tư (2/5 - 3/5/2023) do bù cho 2 ngày cuối tuần rơi vào dịp lễ. Như vậy, tổng thời gian nghỉ của người lao động là 5 ngày, từ thứ Bảy (29/4) đến thứ Tư (3/5/2023).

>>> Xem thêm: Xu hướng nhảy việc của GenZ: "Vỡ mộng" vì lương không tăng
Trong kỳ nghỉ dài như vậy, nhiều người trẻ lên kế hoạch du lịch, trong khi đó với các cặp vợ chồng xa quê, đây là dịp thích hợp để đoàn tụ với gia đình nội, ngoại. Ai cũng muốn tranh thủ thời gian được ở bên bố mẹ nhiều hơn, nếu nhà nội nhà ngoại ở gần thì không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng trong tình thế chỉ có thể về nhà nội hoặc nhà ngoại, nhiều cặp vợ chồng đã nảy sinh mâu thuẫn, câu chuyện này tương tự với việc ăn tết ở nhà nội hay nhà ngoại, nếu không biết cách xử lý khôn khéo có thể khiến tình cảm rạn nứt, ngày lễ cũng mất đi ý nghĩa.

"Cuộc chiến" không hồi kết: Vợ chồng đều có cái lý của riêng mình
Vợ chồng sống chung lâu ngày, nảy sinh mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi như dân gian vẫn nói: "Chén trong sóng còn khua, huống chi là vợ chồng". Nói như vậy không phải chúng ta xem thường hậu quả của những trận cãi vã, đem đến điều tích cực hay tiêu cực còn phụ thuộc vào cách vợ chồng xử lý và nhường nhịn lẫn nhau. Đó là lý do tại sao có cuộc cãi vã khiến vợ chồng hiểu nhau hơn, lại có cuộc cãi vã khiến họ ngày càng xa cách, thậm chí "đường ai nấy đi".
Tranh cãi nghỉ lễ 30/4 về nhà nội hay nhà ngoại chỉ là ví dụ điển hình cho những mâu thuẫn thường nhật của các cặp vợ chồng, không chỉ đơn giản là vấn đề ăn lễ ở đâu mà nhìn rộng ra còn là cách cư xử của vợ chồng dành cho nhau, yếu tố quyết định cuộc hôn nhân có bền chặt, hạnh phúc hay không.

Mong muốn được đoàn tụ cùng bố mẹ ruột trong dịp nghỉ lễ hoàn toàn chính đáng, bởi vậy cả hai vợ chồng đều có cái lý của riêng mình. Đều đi làm xa nhà, bởi vậy gia đình hai bên nội ngoại chắc hẳn ai cũng trông ngóng dịp lễ được đoàn tụ cùng con cái, từ chối bên nào cũng khó tránh khỏi bố mẹ chạnh lòng. Chính vì cả hai đều có cái lý của riêng mình, khi xảy ra tranh cãi sẽ bất phân thắng bại, ai cũng mong muốn đối phương bao dung, hiểu cho nguyện vọng của mình nhưng lại không biết cách biểu lộ sao cho đúng, dẫn đến những hờn dỗi, bất đồng không đáng có. Nếu cứ cự cãi mãi trong một "cuộc chiến" không có hồi kết này, chắc hẳn kỳ nghỉ lễ 5 ngày này sẽ không còn ý nghĩa gì, tình cảm vợ chồng cũng sứt mẻ không ít.

Nghệ thuật hóa giải: Triệt tiêu mâu thuẫn khi nó còn chưa hình thành
Trong cơn nóng giận, cả hai khó có thể giữ bình tĩnh để cùng bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết hợp lý. Vì vậy, trước khi đi tới cự cãi, vợ chồng nên lựa chọn thời điểm thích hợp để bàn luận, thống nhất với nhau, về nhà nội hay nhà ngoại chắc hẳn sẽ có cái lợi và cái hại riêng, phải suy xét trên nhiều phương diện để đưa ra quyết định phù hợp. Ví dụ khi hai vợ chồng có con nhỏ, nhà nội gần hơn, nhà ngoại đi xe mất cả nửa ngày, điều kiện kinh tế không cho phép đi máy bay, cả hai có thể lựa chọn ăn lễ ở nhà nội, vào ngày lễ khác sẽ về quê ngoại sau.

Vấn đề của nhiều cặp vợ chồng son là không nhận ra được sự việc có thể dẫn đến mâu thuẫn, chỉ chăm chăm đặt cái tôi của bản thân lên cao hơn, muốn phần thắng thuộc về mình. Trong lối ứng xử hàng ngày của vợ chồng cũng cần có nghệ thuật, một người chồng tâm lý và một người vợ khéo léo chắc hẳn sẽ biết cách biến chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không để giữ hòa khí cho gia đình.

Một mẹo ứng xử với chồng được chị Nguyễn Thu Hà chia sẻ nhận được sự quan tâm của đông đảo chị em, cô cho biết: "Mình tránh việc cãi nhau bằng cách hùa theo những lời chồng nói, miễn là lời của anh ấy không quá đáng". Để giải thích rõ hơn, Thu Hà lấy ví dụ tình huống cô vợ có tính hay quên, khi bị chồng nhắc nhở, nếu cô cáu gắt ngược lại: "Có chuyện nhỏ như vậy anh cũng khó chịu với em à? Phụ nữ đẻ xong ai chả hay quên!" chắc hẳn không khí sẽ căng thẳng.
Cũng là tình huống này, thế nhưng nếu chị vợ dịu giọng hơn: "Ôi em quên tắt bếp ga cơ á. Sau đầu óc em lại hay quên thế nhở, quên cả việc rất quan trọng luôn ấy. May nhờ có anh kỹ tính tắt hộ em chứ không là nguy to rồi. Cảm ơn chồng nhá" thì anh chồng nào không "tan chảy" phải không nào.
Tóm lại, dịp lễ 30/4 về thăm quê nội hay quê ngoại sẽ không còn là vấn đề tranh cãi nếu vợ chồng bàn bạc cẩn thận với nhau, phân tích và đưa ra thỏa thuận hợp lý, để không ai cảm thấy tủi thân.


>>> Xem thêm: Mẹo ứng xử hay ho: Tát nước theo mưa để tránh cãi nhau với chồng
Trường hợp đã lỡ cự cãi quyết liệt, làm sao để "cơm lành canh ngọt" trở lại?
Nếu cả hai đang trong thời kỳ "chiến tranh lạnh" sau cuộc cãi vã nghỉ lễ bên nội hay bên ngoại, để cứu vãn tình hình nhanh chóng, một trong hai phải chủ động mở lời trước. Dẫu biết ai cũng có cái tôi cao, tuy nhiên để giữ hòa khí gia đình, cả hai phải học cách nhường nhịn nhau, trong tình huống này người chồng nên hòa giải trước, chủ động xin lỗi. Tiếp theo là lắng nghe và thấu hiểu, khi đối diện với một mâu thuẫn, hãy lắng nghe và thể hiện sự cảm thông với nhau, thay vì chỉ đưa ra lời chỉ trích hoặc tranh luận gay gắt.
Hãy tìm ra những điểm tích cực về lựa chọn nghỉ lễ quê nội hay quê ngoại để đối phương hiểu và thông cảm hơn. Thay vì chỉ tập trung vào những điểm khác nhau hoặc những xung đột, hãy tìm kiếm những điểm chung, những lợi thế cùng nhau và giải quyết các vấn đề một cách tích cực. Đây cũng là công thức chung giúp tình cảm vợ chồng càng thêm bền chặt sau những lần cãi vã.

Có thể thấy, nghỉ lễ quê nội hay quê ngoại sẽ không còn là vấn đề nếu cả hai vợ chồng thấu hiểu và cùng bàn bạc, đưa ra quyết định phù hợp nhất. Hy vọng kỳ nghỉ lễ của gia đình bạn sẽ thật hạnh phúc, mọi mâu thuẫn suy cho cùng vẫn là hiểu nhau và học cách cùng nhau cố gắng. Còn bạn, bạn có mẹo hay nào để các cặp đôi có thể vẹn toàn hai bên nội ngoại trong dịp nghỉ lễ 30/4 này? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Tải ngay app Bestie và xem thêm bài viết thú vị trên Bestie nhé!

MUỐN CÓ TÌNH YÊU TUYỆT VỜI, HÃY YÊU THƯƠNG VÀ HOÀN THIỆN CHÍNH MÌNH
Rất nhiều người cố gắng để trở nên tốt hơn bởi vì họ nghĩ rằng họ nên như vậy, nhưng thực tế đây là điều không nên. Thay vào đó, hãy tìm một lí do thực sự để mình trở nên hoàn hảo hơn. Là lí do chứ không phải là nghĩa vụ, bởi nghĩa vụ sẽ làm bạn cảm thấy không thoải mái và không muốn làm nó trong thời gian dài. Ví dụ, hãy tìm các bài tập thể thao phù hợp, có chế độ ăn uống hợp lí, thiết lập các cột mốc quan trọng cho sức khỏe để theo dõi sự tiến bộ của bản thân mình.