Gần 30 năm qua, lớp học tình thương của ông bà giáo Tư tại ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã giúp cho nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn viết tiếp ước mơ được học tập. Lớp học này được thành lập bởi đôi vợ chồng Huỳnh Văn Phê (80 tuổi) và Huỳnh Thị Lành (82 tuổi) từ năm 1994.
Chia sẻ trên một chương trình truyền hình vì lý do quyết định mở lớp học, ông Tư nói, trước đó ông từng phải bình dân học vụ suốt 5 năm để xóa mù chữ. Vì thế, ông rất thấu hiểu nỗi khổ của việc không biết chữ và bàn với vợ khăn gói lên Bình Dương bỏ tiền túi mở lớp học.

>> Xem thêm: Ấm lòng với lớp học tình thương "phiên bản cũ" do cô giáo 70 tuổi đứng lớp ở Cần Thơ
Những ngày đầu mở lớp, vì không có quá nhiều tiền nên lớp thiếu đủ thứ. Ông bà phải tự đóng ván ba chân để học sinh ngồi dưới đất viết bài. Sau đó, ông bà giáo Tư được hỗ trợ 20 bộ bàn ghế để các em có điều kiện học tập tốt hơn. Bắt đầu từ năm 1996, đôi vợ chồng U90 quyết định thu 15 nghìn đồng/tháng tiền học phí để các em đỡ thấy mắc nợ. Những em nhỏ không có tiền, ông bà cũng sẵn lòng dạy miễn phí.


Lớp học của ông bà giáo Tư có khoảng 40 học sinh. Các trò không gọi ông bà là thầy hay cô mà gọi thân thương là ông bà Tư. Không chỉ dạy cho các em con chữ, ông bà còn mang đến cho những đứa trẻ bài học về đạo đức, lễ nghĩa... Mỗi ngày, không cần điểm danh nhưng chỉ cần nhìn sơ, ông bà đã biết được ai vắng học. Hiện nay, ngoài ông bà giáo Tư còn có nhiều bạn sinh viên tình nguyện đứng lớp dạy học cho các em nhỏ.



Vợ chồng ông Tư mở lớp học tình thương từ khi con cái chưa lập gia đình. Đến nay, khi con của ông bà đã thành gia lập thất, họ nhiều lần khuyên ông bà về quê an dưỡng tuổi già. Tuy nhiên, vì mang trong mình khao khát được dạy các em nhỏ nghèo con chữ nên vẫn quyết bám trụ với mảnh đất Bình Dương, duy trì lớp học tình thương đầy ý nghĩa này. Nhờ các bạn trẻ trong đội thiện nguyện đứng lớp phụ, ông bà Tư cũng được đỡ đần phần nào.



>> Xem thêm: Xót xa cảnh lớp học “nghèo” ở Hà Giang: Không cửa, không nhà vệ sinh
Phải nói, nhờ lớp học tình thương của những con người nhiều tâm huyết như ông bà giáo Tư, nhiều mảnh đời khó khăn đã được giúp đỡ. Trước đó, câu chuyện về đôi vợ chồng bán hết vàng cưới, mượn đất mở lớp học "0 đồng" cũng khiến dân tình không khỏi ấm lòng. Đó là vợ chồng anh Huỳnh Quang Khải, ngụ Q.12, TP.HCM.

Được biết, nhiều năm trước, khi đang dạy học cho một lớp tình thương của Đoàn Thanh niên, lớp bất ngờ giải tán. Sợ các em nhỏ không có điều kiện học tập tốt, anh Khải đã bàn với vợ gom tiền mở lớp học miễn phí. Tính đến nay, lớp học tình thương này đã được duy trì 14 năm, giúp cho hàng nghìn người biết con chữ.


Không riêng vợ chồng ông bà giáo Tư, hay anh Huỳnh Quang Khải, đâu đó vẫn còn có nhiều người thầy, người cô dành cả tâm huyết của mình để duy trì những lớp học tình thương. Chẳng hạn như thầy Ngô Văn Khánh ở Bình Dương - người đã ở nhà thuê, để dành đất, tiền để xây dựng lớp học miễn phí trọn đời cho các em học sinh. Hay cô Trần Thị Mươn (67 tuổi, TP.Sóc Trăng) - người đã duy trì lớp học tình thương suốt 22 năm qua.



Phải nói, những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn sẽ khá thiệt thòi về điều kiện tiếp cận với giáo dục. Nhưng cũng nhờ những con người đầy tâm huyết và lòng yêu thương mở ra các lớp học tình thương, các em mới có thêm cơ hội được học tập và từ đó có tương lai tươi sáng hơn. Bạn nghĩ sao về lớp học tình thương của ông bà giáo Tư? Hãy chia sẻ cùng Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hấp dẫn tại Bestie!
6 CÁCH ĐỐI NHÂN XỬ THẾ CẢ ĐỜI VẪN PHẢI HỌC
Trong cuộc sống, tùy vào cách mình đối nhân xử thế, con người sẽ nhận lại sự kính trọng hoặc khinh khi từ những người xung quanh. Về mặt lý thuyết, chỉ cần bạn làm những gì mình yêu thích là được. Nhưng trên thực tế, cuộc đời được ví như vở kịch mà bạn phải đứng trên nhiều cương vị khác nhau và cân nhắc rất nhiều khi quyết định đưa ra bất kỳ hành động, lời nói nào.
Chẳng hạn, đối với cha mẹ, chúng ta cần mở rộng tấm lòng của mình vì cha mẹ là người đã sinh ta ra và cho ta sự sống. Đối diện với con cái, chúng ta không nhất thiết phải đóng khung trong luật lệ. Bởi, sự nghiêm khắc quá mức, không chú ý đến tình thương thì việc giáo dục khắt khe sẽ đem lại tác dụng trái ngược mà không vị phụ huynh nào mong muốn đâu...