Nhắc đến ẩm thực đường phố, không thể bỏ qua những món ăn đã làm nên đặc trưng của Việt Nam như bún bò, phở, bún riêu,... Nếu như bún bò thu hút thực khách bởi nước dùng đậm đà thì bún riêu là sự kết hợp hòa quyện từ thanh cua đến thịt bằm và các loại rau ăn kèm. Không khó để tìm thấy những hàng quán bán bún riêu, tuy nhiên để bỏ túi địa điểm bán lâu năm và trọn vẹn hương vị có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, gánh bún ở phố Nguyễn Thiếp có cái tên độc lạ “Bà Điếc” hàng chục năm qua luôn đông khách nườm nượp.

>>> Xem thêm: TP.HCM nhiệt độ xuống 19 độ C trong ngày Giáng Sinh: Sẽ còn hạ tiếp
Gánh bún “Bà Điếc” tọa lạc ở số 89 Nguyễn Thiếp, bắt đầu bán từ 18 giờ tối đến 4 giờ sáng, từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những ai đam mê bún riêu. “Chủ xị” của gánh bún đông khách này là cô Quỳnh, chính tay cô nấu và chan từng bát bún đem đến tận tay thực khách. Vừa đặt gánh mở hàng cô đã luôn tay luôn chân cho đến khuya bởi lượng khách ghé khá đông, đặc biệt ở gánh bún của cô Quỳnh không có thực đơn, người ta ăn hoài thành quen, mỗi lần đến cứ kêu “món tủ”.
Giá của bún riêu khá bình dân dao động từ 20 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng/bát, bát bún 60 nghìn đồng to ú ụ bao gồm tôm tít, thịt bò, thịt heo, riêu cua,... Mỗi tối gánh bún cô Quỳnh bán “sương sương” mấy trăm tô, đỉnh điểm lên đến 1000 tô, chất lượng và hương vị đã làm nên danh tiếng của món bún riêu gia truyền này.


Không phải ngẫu nhiên mà gánh bún riêu của cô Quỳnh tồn tại được nhiều năm qua và được đông đảo thực khách phố cổ yêu thích, đây là món ăn được truyền lại từ nhiều đời, có thâm niên lên đến 30 năm, được xem như bí quyết gia truyền của gia đình cô Quỳnh. Từ những ngày đầu về làm dâu, cô Quỳnh đã được mẹ chồng truyền dạy cách nấu riêu sao cho đậm đà, nước dùng sao cho ngon ngọt. Mẹ chồng của cô Quỳnh cũng được bà nội truyền dạy, cứ thế món bún riêu chuẩn vị Hà Nội trở thành tài sản quý giá của gia đình cô.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc về cái tên độc lạ của gánh bún, bởi đây là gánh bún gia truyền nên ban đầu chỉ được gọi chung chung với cái tên như bún riêu gia truyền, bún riêu truyền thống,... Mãi cho đến khi cô Quỳnh tiếp quản gánh bún riêu và chuyển về Nguyễn Thiếp bán cố định, do lúc này cô hơi lãng tai nên người dân gọi vui là gánh bún “Bà Điếc”, thế là gọi nhiều thành quen, nó trở thành tên của gánh bún lúc nào không hay.


Bên cạnh gánh bún “Bà Điếc” trên đường Nguyễn Thiếp, Hà Nội, ở TP HCM cũng có quán bún riêu trứ danh gần xa mang tên Thu Nga tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Hào, phường 6, quận 4. Quán bún mở cửa từ 12 giờ trưa đến 19 giờ tối, thực khách đến ăn nườm nượp đến nỗi quán không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải chờ đợi nhưng vẫn nhất quyết ở lại.
Có thể thấy, món bún riêu của cô Thu Nga có hương vị đặc biệt thế nào mới có thể giữ chân được khách hàng và trụ được hơn 3 thập kỷ qua. Giống như gánh bún “Bà Điếc”, nước lèo ở đây cũng được nấu theo công thức gia truyền, bởi vậy mang hương vị rất riêng, khó nơi nào có được.

>>> Xem thêm: Quán bún riêu hơn 30 năm làm "bá chủ" Sài Gòn: Ngày bán 500 tô là ít


Nhờ cái tâm trong buôn bán mà những gánh bún gia truyền như của cô Quỳnh và cô Thu Nga có thể tồn tại suốt 3 thập kỷ mà vẫn giữ được lượng khách đông đảo. Bên cạnh bí quyết để cho ra bát bún thơm ngon, mang hương vị riêng, có lẽ sự chỉn chu, chiều lòng thực khách và mức giá hợp lý là những yếu tố làm nên sức hút của những quán ăn này. Bạn đã thử qua bún riêu của cô Quỳnh hay cô Thu Nga chưa? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Xem thêm những bài viết đời sống thú vị trên Bestie nhé!
TỰ TRỔ TÀI VỚI 2 CÁCH NẤU BÚN RIÊU ĐẬM ĐÀ CHUẨN VỊ NHÌN THÔI ĐÃ THÈM
Nếu yêu thích món bún riêu mà chưa có dịp ăn thử gánh bún của cô Quỳnh hay cô Thu Nga, bạn cũng có thể trổ tài tự nấu bún ở nhà với công thức “bất bại” sau đây. Đối với bún cua đồng, quan trọng là cách riêu cua làm sao cho đậm vị, bạn có thể giã nhuyễn thịt cua với một ít muối, đổ ra một cái bát khác cho thêm nước vào lọc nhẹ để thịt cua tan vào nước, làm như vậy 2 lần cho đến khi trong bát chỉ còn lại vỏ cua.
Còn đối với bún riêu ốc, chúng ta nên chọn ốc bươu, xào sơ phần thịt ốc với dầu, khi săn lại thì cho vào một ít lá tía tô cắt nhuyễn. Bạn nên làm thêm một chén mắm gừng để hương vị thêm phần đậm đà.