Sau khi rời khỏi ghế nhà trường, nhiều người nhanh chóng lao vào trường đời để chạy theo cơm áo gạo tiền. Lúc này nhiệt huyết dâng trào, họ sẵn sàng làm việc suốt 24/7. Song, sau một thời gian điều này lại dần trở thành gánh nặng và áp lực. Cũng từ đây mà việc đi làm ngày thứ Bảy trở thành một “cấm kỵ” đối với một phần đông người lao động.

>>> Xem thêm: Bị nói ăn cơm trước kẻng, chàng trai "không chân" lên tiếng đáp trả
Là nhân sự tự do tại Hà Nội, Nguyễn Linh cho biết đối với anh việc làm cuối tuần là không phù hợp. Làm việc vào ngày thứ Bảy không những gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần cũng như hiệu suất làm việc của người lao động. Ngoài ra, nó còn khiến cho người lao động không có thời gian để nạp lại năng lượng, chăm sóc những mối quan hệ khác của mình.
Anh còn cho biết tỷ lệ ứng viên từ chối làm việc ngày thứ Bảy lên đến 80%. Họ chỉ chấp nhận công việc 5 ngày/tuần và nếu như muốn người lao động là việc ngày này thì chế độ đãi ngộ phải thực sự rất tốt.

Xu hướng này ngày càng được phát triển mạnh mẽ trong xã hội, nhất là với thế hệ gen Z, những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012. Nguyễn Linh chia sẻ thêm: “Hiện tại, các công ty dần không còn quan tâm quá nhiều tới quy trình làm việc, trừ những doanh nghiệp và vị trí đặc thù. Thay vào đó, họ quản lý kết quả, bám sát KPI. Vì vậy, người lao động có thể thoải mái làm việc theo cách riêng, miễn sao đảm bảo được hiệu suất công việc”.

Cũng như Nguyễn Linh, Minh Huyền hiện 26 tuổi cũng cảm thấy mệt mỏi khi phải làm việc vào ngày thứ Bảy. Trước đây khi vừa tốt nghiệp vào năm 2017, cô khá hài lòng khi làm việc 6 ngày/tuần vì nó giúp cô có thêm nhiều kinh nghiệm. Nhưng chỉ sau một năm làm việc cô đã nhanh chóng cạn kiệt sức lực và nghỉ việc sau đó.
Minh Huyền thổ lộ: “Tôi thường trở về nhà lúc 18h30, ăn uống, vệ sinh cá nhân và giải trí đến 21h là đi ngủ để hôm sau dậy sớm đi làm. Nghỉ một ngày Chủ nhật không đủ để tôi phục hồi năng lượng. Tôi hầu như không có thời gian hẹn bạn bè hay về quê thăm nhà”.

>>> Xem thêm: Chàng trai Cần Thơ chi 500 triệu cải tạo nhà cấp 4 cho bố mẹ dưỡng già
Song cũng có một số trường hợp ngược lại, điển hình như Phương Anh (22 tuổi) đang là một nhân viên phân tích kinh tế tại Hà Nội. Vì tính chất công việc nên ngoài làm việc 8 tiếng/ngày thì cô còn phải tăng ca và làm thêm giờ. Dù không thích đi làm thứ Bảy nhưng Phương Anh nhận xét đây là điều cần thiết đối với công ty. Thêm vào đó cô cũng không phải là người có nhu cầu đi chơi nên việc đi làm thứ Bảy với cô là điều có thể chấp nhận được nếu công ty yêu cầu.

Phương Anh bày tỏ lập trường: “Đây thường là lúc mọi người tổng kết lại hoạt động trong tuần. Việc này khá khó thực hiện vào thứ Sáu vì mỗi ngày sẽ có công việc riêng. Công ty cũng hiểu tâm lý nhân viên nên thứ Bảy có thể làm online và không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Tôi thấy không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm tới người lao động như vậy. Do đó, dù không thích, tôi vẫn khá vui vẻ khi làm thứ Bảy”.

Có thể thấy việc đi làm ngày thứ Bảy có khá nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng hầu hết vì “miếng cơm manh áo” mà người lao động vẫn lựa chọn thỏa thuận về vấn đề đi làm ngày thứ Bảy. Đứng ở góc độ của doanh nghiệp thì việc muốn người lao động đi làm ngày cuối tuần thì quỹ lương cũng phải có sự linh hoạt đáng kể kèm theo những chế độ đãi ngộ khác. Ngoài ra, việc đi làm ngày thứ Bảy còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, trong đó nhu cầu riêng của người lao động là một yếu tố tác động điển hình.


Nếu họ là người có nhu cầu xả stress cao thì việc chỉ nghỉ 1 - 1,5 ngày/tuần sẽ không đủ để họ nạp lại năng lượng mà gây ra tình trạng giảm năng suất hiệu quả công việc. Ngược lại, nếu họ là người không có nhu cầu đi chơi nhiều, chỉ cần 1 ngày để lấy lại tinh thần thì làm việc ngày thứ Bảy với họ là điều bình thường. Bạn có sẵn sàng đi làm vào ngày thứ Bảy? Hãy chia sẻ cùng với Bestie nhé!
Xem thêm nhiều bài viết hấp dẫn tại Bestie
KHÔNG MƠ CAO, GIỚI TRẺ CHỈ ƯỚC MƠ ĐI LÀM VỚI LƯƠNG CỨNG 10 TRIỆU ĐỒNG
Sau nhiều năm đi làm, giới trẻ từ những người ước mơ lập nghiệp sau khi rời xa ghế nhà trường thì đã nhanh chóng vỡ mộng. Những ngày “làm công ăn lương” không dễ thực hiện như trong tưởng tượng của nhiều người.
Lương cứng 10 triệu là con số không quá cao nhưng nó hiện tại đang là ước mơ của vô số người. Đặc biệt nó lại càng khó khăn hơn đối với những sinh viên vừa mới ra trường. Song, vì để sinh sống tại đất Sài Thành, người lao động vẫn “ngậm đắng nuốt cay” chấp nhận những số lương không xứng đáng với khối lượng công việc của mình…