Nhắc đến khởi nghiệp nhiều người sẽ liên tưởng đến những người trẻ ấp ủ ý tưởng thành lập công ty hoặc hình thức kinh doanh mới lạ nào đó. Tuy nhiên, không phải chỉ người trẻ trong tay chưa có sự nghiệp mới lựa chọn phương án khởi nghiệp, trên thực tế vẫn có những người có công việc ổn định, thu nhập cao vẫn muốn thử sức với con đường mới. Như câu chuyện của anh Tạ Quý Tôn (34 tuổi) quyết định bỏ ghế giám đốc lương 80 triệu đồng/tháng để khởi nghiệp với xơ mướp của quê hương.

>>> Xem thêm: Khởi nghiệp với 800k, cặp vợ chồng Hà thành xây nhà 5 tỷ ở tuổi 30
Anh Tạ Quý Tôn có 6 năm du học, từng có ý định định cư tại nước ngoài, ở nơi xứ người bằng sự nỗ lực của bản thân anh đã có cho mình công việc ổn định. Tuy nhiên, vào năm 2018, bố anh đột ngột qua đời, thương mẹ già thui thủi một mình, anh Tôn quyết định về lại Việt Nam. Với kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, về nước anh Tôn tiếp quản chức giám đốc tại một ngân hàng, khi ấy hàng xóm ai cũng tấm tắc khen ngợi.
Tuy nhiên, đây không phải là điều anh Tôn thực sự mong mỏi, anh vẫn luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp từ quê hương mình, làm cách nào để bà con quê mình bớt khổ, có việc làm ổn định hơn. Thế là bên cạnh công việc tại ngân hàng, anh Tôn cùng một vài người bạn góp vốn mở cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch, tuy nhiên khởi đầu không mấy thuận lợi. Những tưởng thất bại đó đã khiến chàng giám đốc chùn bước, thực tế đây chỉ là bước đệm cho anh Tôn đưa ra quyết định táo bạo hơn, chính là nghỉ hẳn việc ở ngân hàng.


Anh chính thức chuyển hướng khởi nghiệp với nguyên liệu xơ mướp tại quê hương, thời điểm ấy ai cũng bảo anh Tôn khác người, bỏ công việc lương cao để về làm nông dân, cả mẹ của anh cũng khuyên con trai từ bỏ. Cuối cùng bằng quyết tâm của mình anh đã kiên trì, nghiên cứu các sản phẩm làm từ xơ mướp và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Thấy con trai cực khổ, mẹ anh Tôn cũng dần chấp nhận và đồng hành cùng anh trên con đường khởi nghiệp gian nan này.
Những lô hàng đầu tiên, anh Tôn chấp nhận chịu lỗ để đưa sang thị trường nước ngoài bán rẻ hoặc biếu tặng cho người quen, dần dần sản phẩm được nhiều người yêu thích và đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó, việc kinh doanh doanh của anh Tôn ngày một mở rộng, người dân trong làng kéo đến xưởng của anh xin làm nhân công, nông dân trồng mướp cũng phấn khởi vì bán được với giá cao, không lo mất mùa.


Anh Tôn cho biết thời gian 2 năm đầu khởi nghiệp anh chấp nhận chịu lỗ một chút để lấy thương hiệu, đặt mục tiêu có lợi nhuận sau 5 năm, tuy nhiên mới từ năm thứ 3 doanh thu của anh đã vượt mốc 3 tỷ đồng/năm. Có thể thấy, tầm nhìn trong kinh doanh, lên kế hoạch dự trù kỹ lưỡng đã giúp anh Tôn có thành công như hôm nay.

Tương tự như anh Tôn, cách đây không lâu nhiều người dành sự chú ý cho cô gái 9X bỏ công việc ổn định ở thành phố để về quê mở trang trại. Nhân vật chính trong câu chuyện này là Võ Thị Nhung Nhi, cô gái sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Kon Tum.
Sau 2 năm gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, Nhung Nhi đã quyết định từ bỏ công việc tại một công ty marketing, về lại quê hương Kon Tum để khởi nghiệp từ hạt cà phê. Cô nàng 9X hiện đã có khu vườn rộng lớn với 1.500 cây cà phê, hàng trăm cây ăn trái như sầu riêng, chuối,.. đem lại cho Nhung Nhi nguồn thu nhập đều đặn mỗi tháng hàng trăm triệu đồng.

>>> Xem thêm: Nữ sinh Đồng Tháp khởi nghiệp làm nến thơm từ hoa sen

Qua câu chuyện của anh Tôn bỏ ghế giám đốc ngân hàng khởi nghiệp với xơ mướp và cô bạn quê Kon Tum bỏ công việc marketing, khởi nghiệp từ cây cà phê, có thể thấy khi chúng ta còn trẻ hãy bước ra khỏi vùng an toàn và thử sức với những con đường mới. Tuy nhiên, nói như vậy không phải ta làm liều mà không suy nghĩ, để thành công ta phải có kế hoạch rõ ràng, bỏ công sức học hỏi kinh nghiệm.
Mỗi người sẽ có định hướng tương lai riêng, có người thích khởi nghiệp kinh doanh, có người thích công việc văn phòng, điều quan trọng nhất vẫn là hết mình với đam mê công việc. Bạn cảm thấy như thế nào về câu chuyện khởi nghiệp của anh Tạ Quý Tôn? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Xem thêm những bài viết thú vị trên Bestie nhé!
ĐỪNG LO LẮNG VÀ THAN PHIỀN VỀ THỰC TẠI: TÌM CÁCH THAY ĐỔI ĐI!
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang chênh vênh giữa lựa chọn tiếp tục làm công việc văn phòng hay khởi nghiệp, không phải ai cũng có thể bỏ ra chi phí lớn chịu lỗ trong 2 năm đầu để xây dựng thương hiệu như anh Tôn. Vì vậy, làm cách nào để định hướng tốt cho tương lai là bài toán nan giải với thế hệ GenZ.
Không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để gồng gánh cả một công ty, vì vậy nếu muốn khởi nghiệp, bạn nên tìm hiểu trước những rủi ro mà bạn có thể gặp phải. Một điều quan trọng ai cũng biết nhưng khó có thể làm chu toàn chính là lập kế hoạch chi tiết, bạn sẽ kinh doanh về lĩnh vực gì, tìm kiếm nguyên liệu ở đâu, vốn khởi điểm là bao nhiêu,... tất cả đều phải thật rõ ràng, cụ thể.