Sau một ngày dạy học vất vả, cô Trần Thị Châu (sinh năm 1975), giáo viên Trường Mầm non A Xing, thuộc xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại kề bên chiếc máy may cũ đến tối muộn. Cô cẩn trọng lắp từng mảnh vải, đi từng đường kim mũi chỉ để may những cái áo, cái quần mới cho học trò nghèo.

>>> Xem thêm: Lê Bống về thăm trường cũ sau 10 năm, rủ cả cô giáo quay "tóp tóp"
Chia sẻ với VTV3, cô Châu cho biết: “Tôi thấy các em rất tội. Nói thật, nhiều em cả tuần chỉ mặc một bộ, mà áo quần rách nữa, nên tôi mang về vá, sửa lại cho các em”.
Chỉ riêng năm học này, cô Châu dự định sẽ may gần 50 bộ quần áo mới cho học trò. Không chỉ may vá, cô Châu còn liên tục lặn lội tìm kiếm, kêu gọi các mạnh thường quân khắp cả nước giúp sức, để các bé có thêm áo ấm, chăn êm và những suất cơm trưa đủ đầy.

Bất đắc dĩ phải lọ mọ may vá vào buổi tối nhưng chỉ cần thấy các trò vui mừng, yêu thích khi có quần áo mới là cô Châu lại có thêm động lực để tiếp tục. Ấy vậy mà, cô còn tự trách bản thân khi thấy mình không khéo tay như các thợ may lành nghề. Cô sợ quần áo may ra không đạt, không chỉn chu theo ý mình mong muốn.

Được biết, xã Lìa là vùng biên giới nghèo, đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Cuộc sống của bà con chỉ dựa vào các nương rẫy ngô, sắn nhỏ nên kinh tế rất khó khăn, chật vật. Kiếm miếng ăn còn khó khăn vì thế các bé ở đây quần áo rách rưới, nhem nhuốc là chuyện thường tình, còn chuyện ăn học thì đương nhiên cũng chả ai quan tâm là mấy.


Thấu hiểu được cảnh đó, vào năm 2000, từ một cử nhân ngành Lâm nghiệp, nhận nhiệm vụ công tác tại xã Lìa, cô Châu đã trở lại thành phố học Sư phạm mầm non, sau đó về đây dạy học. Thời gian đầu, cô cùng các thầy cô khác phải gian nan, vất vả lắm mới vận động được các bé đi học, phần vì đường đi lên bản bùn lầy, trơn trượt, phần vì cha mẹ các bé không đồng ý.


Thậm chí, dạy được 1 năm thì bị cắt hợp đồng, cô Châu lại quay sang mở lớp trông trẻ miễn phí cho bà con có thời gian làm việc, cho các bé được học hành. Sau này khi vào dạy chính thức, nhiều lần cô được đề nghị luân chuyển công tác đến nơi tốt hơn, nhưng cô vẫn một mực chối từ và quyết ở lại nơi này.

Thầy Nguyễn Mai Trọng, một giáo viên của trường chia sẻ với VTV3 rằng: “Cô Châu hết lòng giúp đỡ vật chất rồi kêu gọi, kết nối được nhiều nguồn hỗ trợ cho bà con dân bản cùng học sinh ở đây nên được mọi người rất yêu mến, kính trọng. Những việc làm đầy tình người và có sức lan tỏa của cô rất đáng khâm phục, là tấm gương cho các giáo viên vùng cao noi theo”.

>>> Xem thêm: Cô giáo rơi nước mắt nhận món quà 20/11 ý nghĩa từ học sinh
Tấm lòng của cô Châu thật khiến người khác phải ngưỡng mộ và khâm phục, một người phụ nữ vừa tài giỏi, vừa đức độ và giàu lòng nhân ái. Chúc cho cô Châu sẽ có thật nhiều sức khỏe, niềm vui để tiếp tục gieo chữ và đồng hành cùng các em nhỏ ở đây nhé! Còn bạn, bạn nghĩ sao về cô giáo này? Chia sẻ ngay với Bestie nhé!
Ảnh: Cắt từ YouTube VTV3
Đọc thêm bài viết hay tại Bestie!
CHUYỆN GIÁO VIÊN VÙNG CAO: CÓ NGƯỜI BÁN CẢ BÒ MUA THUYỀN CHỞ HỌC SINH
Thầy cô giáo chính là những người cha, người mẹ thứ hai của chúng ta trong cuộc sống. Tình thương và sự dạy dỗ của họ vô cùng đáng trân trọng. Đặc biệt là thầy cô ở các vùng cao, cuộc sống và việc dạy học của họ càng khó khăn hơn bao giờ hết nhưng họ vẫn cố gắng hết sức vì học sinh thân yêu.
Các thầy cô dạy tại các nơi này ngoài sự yêu nghề, còn đòi hỏi cần phải có ý chí kiên cường và sự hy sinh. Như hành động cao cả của cô Bích Nụ, bán cả tài sản cá nhân đề mua thuyền cho học sinh đến trường vào mùa mưa lũ…