Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không ít lần vấp phải chông gai trên đường đời, bởi không có thành công nào trải đầy hoa hồng. Điều quan trọng là sau mỗi thử thách, chúng ta trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, không đơn giản là khó khăn trước mắt, có những mảnh đời rơi vào nghịch cảnh nghiệt ngã đến mức ai nghe thấy cũng xót xa. Như câu chuyện của anh Nguyễn Ngọc Lâm (35 tuổi), anh phải gắn liền với chiếc xe lăn sau tai nạn nghiêm trọng, thương tật đến 97%, ấy vậy mà anh vẫn vượt lên số phận, trở thành người truyền cảm hứng cho những mảnh đời khiếm khuyết.

>>> Xem thêm: Người phụ nữ U50 "chạy sô" từ Nam chí Bắc để dạy nghề cho trẻ tự kỹ
Xuất hiện trong một chương trình truyền hình, anh Nguyễn Ngọc Lâm với nụ cười rạng rỡ, toát lên vẻ điềm tĩnh của người đàn ông đầy nghị lực. Anh chia sẻ năm 18 tuổi, tai họa ập đến khi anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, phải giành giật sự sống từ tay tử thần. Sau khi vượt qua cửa tử, anh tuyệt vọng khi biết bản thân bị thương tật đến 97%, đôi chân mất khả năng hoạt động. Chỉ sau thời gian ngắn, chàng thanh niên 18 tuổi với biết bao ước mơ hoài bão bỗng chốc phải gắn liền với chiếc xe lăn, cuộc sống của anh như rơi vào bế tắc.

Nhiều lần chàng thanh niên 18 tuổi muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến gia đình phải dốc lòng chạy chữa, các y bác sĩ chiến đấu hết mình để anh được sống tiếp, anh Lâm đã gạt đi suy nghĩ tiêu cực, hạ quyết tâm vượt lên nghịch cảnh. Sau hơn 2 năm tích cực điều trị, anh xuất viện rồi xin vào trung tâm bảo trợ chọn học nghề Tin học với ước mơ trở thành thầy giáo.
Do tay bị ảnh hưởng sau chấn thương, anh Lâm khó sử dụng bàn phím thuần thục như trước, vậy nên cứ đều đặn mỗi ngày anh mượn bàn phím cũ để tập gõ. Trời không phụ lòng người, với nghị lực phi thường anh Lâm đã thực hiện được hoài bão còn dang dở, cũng từ đó anh được nhiều người yêu mến gọi là “thầy giáo xe lăn”.

Đa số học trò của thầy Lâm là trẻ em ở Làng May Mắn, có em mồ côi cha mẹ, có em thì gia cảnh khó khăn vừa học vừa phụ giúp cha mẹ mưu sinh. Bởi vậy ngoài Tin học, người thầy khiếm khuyết còn dạy các em kỹ năng bảo vệ bản thân, động viên các em vượt lên số phận.
Sau những nỗ lực phi thường, thầy Lâm tiếp tục nhận “quả ngọt” với tổ ấm gia đình hạnh phúc. Thầy Lâm và vợ quen biết nhau nhờ tình yêu dành cho thơ ca, hai tâm hồn đồng điệu và quyết định đi đến hôn nhân sau 5 năm tìm hiểu. Dù đã có lúc cuộc sống rơi vào bế tắc nhưng với nghị lực phi thường, người thầy giáo khiếm khuyết đã vượt qua tất cả, trở thành người truyền cảm hứng cho mọi người.


>>> Xem thêm: Nghị lực của cô gái "ốc tiêu" quyết tâm chinh phục 2 bằng đại học

Không chỉ có thầy giáo Nguyễn Ngọc Lâm, thật tự hào khi trong cuộc sống chúng ta còn có muôn vàn những tấm gương vượt lên số phận. Như câu chuyện của cô gái “ốc tiêu” Nguyễn Kim Yến Nhi, không may mắn mang bệnh tật từ nhỏ, cơ thể yếu ớt nhưng sức mạnh lại vô cùng phi thường.
Yến Nhi xuất sắc trở thành diễn giả khi đang còn ngồi trên giảng đường đại học, cô gái bé nhỏ còn tập đứng thẳng, tập đi để có thể tự tin diễn thuyết trước đám đông. Chưa dừng lại ở đó, bên cạnh chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, Yến Nhi quyết định học thêm Tâm lý học, trở thành Cử nhân song ngành.


Mỗi người đều là một đóa hoa thơm, dù có trong hình hài như thế nào nhưng hương thơm thì mãi tỏa ngát cho đời. Có lúc khó khăn bất ngờ ập đến khiến chúng ta rơi vào tuyệt vọng, nhưng nếu đầu hàng số phận thì mãi mãi ta cũng không bao giờ thoát ra được nghịch cảnh đó.
Thầy Nguyễn Ngọc Lâm là minh chứng sống cho câu nói “tàn nhưng không phế”, chỉ cần được sống, nghịch cảnh có nghiệt ngã đến đâu cũng không đánh gục được nghị lực phi thường ấy. Bạn cảm thấy như thế nào về hành trình vượt lên nghịch cảnh của “thầy giáo xe lăn” Nguyễn Ngọc Lâm! Hãy cùng chia sẻ nhé!
Xem thêm những bài viết đời sống thú vị trên Bestie nhé!
CÁCH VƯỢT QUA NỖI BUỒN, THU HÚT ĐIỀU TÍCH CỰC TRONG CUỘC SỐNG
Dù rơi vào nghịch cảnh đầy nghiệt ngã, nhưng thầy Lâm vẫn cố gắng vượt qua những suy nghĩ tiêu cực để tìm kiếm niềm vui sống. Chắc hẳn chúng ta không ít lần rơi vào cảm giác buồn bã, chán nản vì cuộc sống không như ý, tuy nhiên điều quan trọng là nhìn vào hướng tích cực và sống có ích hơn mỗi ngày.
Mỗi khi mất phương hướng, bạn nên cho phép bản thân có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi, hoặc tâm sự nỗi lòng với những người thân yêu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đi xa để thay đổi không khí, tâm trí cũng trở nên thoải mái, nhẹ nhàng hơn. Bạn nên nhìn vào những tấm gương nghị lực như thầy Lâm, đến các buổi giao lưu truyền cảm hứng để cảm thấy bản thân còn may mắn và tìm lại niềm vui trong cuộc sống.