Đâu đó trong cuộc sống hối hả, chắc hẳn bạn cũng đã từng một lần chạnh lòng khi chứng kiến những mảnh đời cơ cực. Với những hoàn cảnh khó khăn, những người lao động thu nhập thấp thì vấn đề “cơm áo gạo tiền” luôn là nỗi lo theo họ từng phút, từng giây. Thậm chí có nhiều người không dám ăn một bữa cơm no, vì còn gánh trên vai sinh kế của cả gia đình.
Thấu hiểu hoàn cảnh đó, nhiều người đã cùng chung tay san sẻ bằng những hoạt động thiết thực. Có người hỗ trợ vật chất, có người tạo thêm việc làm, đặc biệt cũng có người tạo nên những bữa cơm 0 đồng chan chứa yêu thương.

>>> Xem thêm: Công ty cho 20.000 công nhân nghỉ luân phiên cận Tết
Như câu chuyện của quán ăn mang tên Phong Bụi nằm ở đường Trần Bình Trọng, Quận 5, TP.HCM, cứ đều đặn mỗi ngày quán cơm nhỏ lại phân phát hàng trăm suất cơm cho sinh viên, người bệnh và người lao động có thu nhập thấp. Chủ của “trạm cơm 0 đồng” nghĩa tình này là anh Lê Văn Phong sinh năm 1994 đến từ mảnh đất Phú Yên chịu thương chịu khó. Lý do khiến anh quyết định “khai sinh” ra trạm cơm 0 đồng không gì khác ngoài việc muốn chia sẻ bớt gánh nặng với những hoàn cảnh cơ cực.
Anh Phong cho biết 10 năm trước anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy. Năm ấy chàng sinh viên 18 tuổi “chân ướt chân ráo” bước lên giảng đường đại học, cũng nhờ có những suất cơm giá rẻ của nhiều nhà hảo tâm mới giúp anh yên tâm học tập. Trong khoảng thời gian dịch bệnh phức tạp, anh Phong có cơ hội cộng sự tổ chức các chương trình phát cơm miễn phí cho bà con. Từ đó anh đã nung nấu ý định mở quán ăn 0 đồng để bà con nhẹ bớt chi phí, thoải mái ăn no có sức lao động.


Trạm cơm 0 đồng của anh Phong chủ yếu phát cơm miễn phí cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn và người bệnh, còn lại anh vẫn bán đồng giá 10 nghìn đồng/suất cho người lao động phổ thông. Mỗi ngày trạm cơm của anh phát từ 60 đến 100 suất cơm 0 đồng, ăn không đủ no có thể quay lại lấy thêm. Những hộp cơm nóng hổi đầy ắp thức ăn, nào là thịt lợn, cá kho, canh khổ qua như cơm nhà khiến những người lao động không khỏi xúc động.
Để điều hành trạm cơm nghĩa tình này, còn có sự giúp sức của chị Tưởng và những người bạn trong nhóm thiện nguyện của anh Phong. Dù hàng ngày thức khuya dậy sớm nấu nướng, dọn dẹp, lấy công làm lời, có những ngày phải lấy tiền túi bù lỗ nhưng anh Phong và những người bạn đều hạnh phúc vì có thể san sẻ với những mảnh đời cơ cực.

>>> Xem thêm: Vợ chồng ở nhà thuê, để mảnh đất 6 tỷ xây trường học miễn phí


Không chỉ có trạm cơm 0 đồng của anh Phong, thật hạnh phúc khi trong cuộc sống còn rất nhiều những nghĩa cử cao đẹp “lá lành đùm lá rách”. Như vợ chồng thầy giáo Ngô Văn Khánh ở Bình Dương, dành dụm 20 năm mới mua được mảnh đất 600m2 với giá 6 tỷ đồng, thay vì lựa chọn cất nhà như bao người, vợ chồng thầy đã xây trường học miễn phí giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Khánh thường xuyên đăng bài lên các trang mạng xã hội, nhờ bạn bè người thân giới thiệu để các em học sinh khó khăn có thể biết đến lớp học 0 đồng mà tự tin đăng ký theo học. Tiếng lành đồn xa, ngôi trường dù chưa được khánh thành nhưng đã thu hút gần 200 học sinh theo học, nhiều phụ huynh yêu mến hỗ trợ thêm bàn ghế nhưng thầy đều từ chối.


Không quá giàu có nhưng với sự đồng cảm, mong muốn sẻ chia với cộng đồng, anh Phong và vợ chồng thầy Khánh vẫn dựng nên trạm cơm cũng như lớp học 0 đồng. Những bữa cơm dinh dưỡng hay những con chữ ý nghĩa tuy nhỏ nhặt nhưng ngày qua ngày sẽ ươm mầm yêu thương cho nhiều người, giúp họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Đây là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta noi theo, tiếp nối nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng của mình vì một xã hội chan chứa yêu thương, không ai bị bỏ lại phía sau. Bạn cảm thấy như thế nào về trạm cơm 0 đồng của anh Phong và những người bạn? Hãy cùng chia sẻ nhé!
Xem thêm những bài viết thú vị trên Bestie nhé!
CHO ĐI LÒNG TỐT SẼ NHẬN LẠI YÊU THƯƠNG
Từ những ngày còn là sinh viên, nhờ những suất cơm 7 nghìn đồng mà anh Phong có thể trang trải học phí. Từ lòng tốt của quán cơm ngày nào đã nung nấu trong anh ý tưởng lập nên trạm cơm 0 đồng cho sinh viên và người bệnh khó khăn. Có thể thấy, lòng tốt được trao đi sẽ ngày càng nhân rộng, lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng.
Có thể một vài tiêu cực của cuộc sống khiến chúng ta ngần ngại giúp đỡ người khác, nhưng hãy tin rằng không có lòng tốt nào là thừa thãi. Một nghĩa cử cao đẹp không chỉ nằm ở việc bạn giúp đỡ được bao nhiêu người mà rộng hơn là bạn truyền cảm hứng được cho bao nhiêu người. Lòng tốt trao đi sẽ ươm mầm hạnh phúc, để rồi bóng mát yêu thương sẽ chở che cho bạn và cả những hoàn cảnh cơ cực ngoài xã hội.