Trong những tấm ảnh thường được đăng tải trên mạng xã hội, Đà Lạt hiện lên với dáng vẻ thành phố nằm giữa rừng xanh đầy thơ mộng và trữ tình. Thế nhưng, với sự đổ xô cùng thái độ vô ý thức của khách du lịch, sau những ngày nghỉ lễ, thành phố ngàn hoa này lại ngập ngụa trong rác thải.
Mới đây, trên mạng xã hội, một người đã chia sẻ câu chuyện nhặt rác trên đường từ Đà Lạt về Nha Trang, đồng thời truyền tải thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường sống ở mỗi nơi mình đi qua.
>> Xem thêm: Xúc động mẹ nhặt rác mua quà sinh nhật cho con, chủ tiệm tặng luôn áo
Cụ thể, trong bài đăng của mình, bạn Dương Thanh Xuân cho biết: “Đây là hình ảnh tụi mình đi chơi Đà Lạt trở về lại Nha Trang, tụi mình vừa đi vừa dừng lại để nhặt hết vỏ lon và chai nhựa dọc đường nhưng số lượng bịch đựng có hạn và nghĩ “chắc sẽ không nhiều như vậy đâu và đây chỉ là 1/3 quãng đường từ Đà Lạt xuống ạ! Hy vọng chút hành động nhỏ này của tụi mình được các bạn quan tâm và ủng hộ!”

Kèm theo đó là hình ảnh người chồng bên cạnh chiếc xe máy chở đầy các bịch lon nước, lon bia, chai nhựa treo sau xe. Xuân cũng chia sẻ, vì lúc đi chỉ có hai vợ chồng, kế hoạch cũng chẳng được tính toán trước, chỉ đi và nhặt nên sau 1/3 quãng đường, hai vợ chồng không thể nhặt thêm vì hết số lượng túi mang theo. Tuy vậy, hai người vẫn gom rác thành những đống nhỏ ở hai bên đường trong suốt quãng đường còn lại với hy vọng sẽ có nhóm khách khác hoặc có công nhân môi trường kịp dọn dẹp phía sau trước khi trời đổ mưa.

Được biết, quãng đường từ Đà Lạt về Nha Trang dài 140km, nghĩa là đống phế liệu này hai vợ chồng chỉ nhặt trên quãng đường khoảng 50km. Đây có thể là những chai nước, lon bia mà người đi dọc đường uống rồi tiện tay vứt bên đường. Chỉ vài người tiện tay như vậy, quãng đường đến Đà Lạt lại ngập trong rác, gây ảnh hưởng mĩ quan đô thị cũng như khiến những nhân viên môi trường phải làm việc cật lực, mệt mỏi hơn trong những ngày lễ Tết.

>> Đọc thêm: Thấy cô lao công làm đổ rác ra đường, 3 cô gái phụ đẩy xe, nhặt rác hộ
>> Xem ngay: Cụ bà dân tộc Hà Nhì 60 tuổi vẫn phải vác xi măng kiếm sống
Sau khi bài viết của cặp vợ chồng này được đăng tải, ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm từ cư dân mạng. Nhiều người ủng hộ, tuyên dương hành động đẹp của đôi bạn trẻ. Đồng thời, cư dân mạng cũng lên tiếng chỉ trích ý thức của du khách tham quan để giữ gìn cảnh quan đô thị, không chỉ ở riêng Đà Lạt mà ở bất cứ nơi đâu mà mỗi người đi qua.

Hành động gom rác của đôi bạn trẻ nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ mọi người. Ảnh: Facebook Dương Thanh Xuân
“Thế mới biết chúng ta xả rác nhiều đến mức nào. Nhiều lúc mình thấy, người đi ô tô, ăn mặc rất bảnh nha, mở cái cửa kính, ném cái bao rác ra đường. Thấy mà tức!”
“Cảm ơn hành động của bạn. Truyền tải thông điệp tích cực đừng xả rác bừa, bỏ balo đem về mà vứt thùng rác.”
“Đi chơi mà khách xả rác quá, dừng xe dọc đường lôi đồ ăn ra xong thì bao nhiêu chai lọ, bịch nilon vứt luôn tại chỗ. Nản.”
“Treo thế này đi đường phải cẩn thận nha em! Vướng víu quá nguy hiểm lắm! Nhưng ý tưởng này vui, cách làm thiện cảm!"
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề ý thức của khách du lịch khi đến Đà Lạt nói riêng và các thành phố du lịch nói chung được cộng đồng mạng lên tiếng. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ hay thời điểm đông khách đến tham quan, dân mạng lại ngán ngẩm với những hình ảnh check in thì lung linh huyền ảo nhưng thực tế thì dưới chân lại ngập rác thải cực kỳ mất thẩm mỹ.
Hành động của cặp vợ chồng này đã mang lại nguồn năng lượng tích cực cho những ai yêu mến thành phố ngàn hoa. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường không thể chỉ dừng lại ở một cá nhân ít ỏi, mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, từ ý thức đến hành động thực tế. Thiết nghĩ, người tham quan chỉ cần nhớ, không để lại điều gì ngoài dấu chân ở mỗi vùng đất mình ghé qua, vậy là đã góp phần để giữ gìn thành phố xanh – sạch – đẹp rồi.
CHÚ CHÓ BƠI GIỮA DÒNG NƯỚC NHẶT RÁC LÀM SẠCH MÔI TRƯỜNG SUỐT 10 NĂM
Đó là câu chuyện của chú chó thuộc giống Golden Retriever ở thành phố Tô Châu (Giang Tô, Trung Quốc).
Được biết, chú chó này vẫn thường được chủ dẫn đi dạo gần những con sông khá nổi tiếng trong tỉnh, cũng là nơi khách du lịch thường hay lui tới. Chủ của chú chó thường xuyên thu gom rác cho vào thùng. Thấy vậy, chú chó cũng bắt đầu làm theo. Công việc này đã gắn liền với chú chó suốt 10 năm.