Vào năm 2000, cô Bùi Thị Nga (sống tại Hà Nội) đã bắt đầu trồng cây cảnh và rau xanh bằng cách làm vườn treo trên sân thượng tầng 4. Từ đó, khoảng sân có diện tích 40m2 chẳng mấy chốc mà đã được phủ một màu xanh tươi mơn mởn, mùa nào cho thức nấy quanh năm ăn không xuể. “Do chủ động làm vườn trên sân thượng nên gia đình đã làm chống thấm và lát nghiêng nền dốc 3cm để nước thoát nhanh và không bị ảnh hưởng đến nhà”, cô Nga chia sẻ trên mạng xã hội về kinh nghiệm làm vườn sân thượng của gia đình mình.


>>Xem thêm: Tạo thành "khu vườn trên mây" bằng cách tận dụng vỏ chai nhựa chưa bỏ đi
Để quá trình chăm sóc rau quả cho năng suất cao, cô Nga phải tìm hiểu rất kỹ từng loại hạt giống và đặc tính phát triển của từng loại cây để phân chia thời điểm trồng cho phù hợp. Ví dụ như vào mùa hè sẽ trồng mồng tơi, rau muống, rau dền, rau đay… Mùa đông trồng bắp cải, cà chua, su hào… Mùa xuân trồng cải cúc và các loại rau cải khác. Bên cạnh đó cô cũng trồng thêm củ cải trắng, củ cải đỏ, mầm đậu Hà Lan vào lúc giao mùa. Điều này sẽ giúp đa dạng nhiều loại rau củ cho cả nhà ăn quanh năm.


Bằng cách áp dụng phương pháp trồng vườn treo, cô Nga có thể tận dụng tối đa diện tích sân thượng để trồng được nhiều rau củ quả nhất có thể, thay vì chỉ trồng được trên lớp nền như cách truyền thống. Phương pháp này còn đặc biệt hiệu quả trong việc giúp giảm thiểu tình trạng sâu bệnh, hơn nữa cách thực hiện cũng không hề phức tạp, ai cũng có thể làm được.

>> Đừng bỏ lỡ: Mê trồng trọt, vợ chồng trẻ trồng cả 100 loại cây trái trên sân thượng
Để xử lý đất trồng, cô Nga cho biết: “Khi xới đất xong, trộn cùng phân gà hoai mục rồi rắc chút vôi bột và phơi đất tầm 2 ngày rồi mới trồng rau”. Sau đó lúc cây phát triển lá thì tưới thêm đạm ure pha loãng, đồng thời cứ mỗi tuần sẽ rắc thêm ít hạt phân NPK vào gốc để cây ra hoa và đậu quả tốt hơn. Vì cây trồng trong chậu nhỏ nên quá trình chăm sóc, bón phân cần được thực hiện thường xuyên để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây phát triển.


Đối với rau ăn lá có nguy cơ bị ốc hoặc sâu bọ có hại tấn công, cô Nga sẽ pha nước enzyme tưới quanh gốc để ngăn chặn mà không sợ gây độc hại cho rau. Khi áp dụng trồng su hào trong các giỏ treo và thường xuyên bón phân, tưới enzyme, cô Nga nhận thấy cây phát triển nhanh, cho củ to, hơn nữa lại tiết kiệm được diện tích kê chậu nên vô cùng tiện lợi.

Cô Nga còn chia sẻ thêm một kinh nghiệm giúp hạn chế sâu trên vườn treo, đó là phun mưa tưới cây vào buổi sáng để làm lá cây ướt, các loại côn trùng sẽ khó bám vào để đẻ trứng. Đồng thời tưới vào chiều muộn để trứng côn trùng còn bám trên lá trôi hết đi. Nhờ đó mà vườn rau của cô Nga ít gặp tình trạng sâu non ăn hại.
Hiện trên sân thượng của cô Nga có khoảng vài trăm chậu treo và 40 hộp trồng rau củ quả các loại. Cô Nga cũng được chồng hỗ trợ làm giúp giàn tưới nước tự động nhỏ giọt để đỡ công chăm sóc. Nhìn giàn bí lúc lỉu quả cùng đủ loại rau trái phát triển tươi tốt mà ai cũng trầm trồ tấm tắc khen cô Nga khéo tay làm vườn.


Vào cuối tuần hay dịp rảnh rỗi nào đó, cô Nga thường xuyên mời bạn bè đến thăm vườn rau của mình để cùng chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Nếu bạn cũng đang muốn trồng rau nhưng ngại diện tích nhà quá nhỏ thì có thể tham khảo cách trồng trong chậu treo như cô Nga để vừa tự cung tự cấp rau củ, vừa giúp không gian sống thêm xanh mát hơn nhé.
Ảnh: Bùi Thị Nga
Xem thêm nhiều tin hot trên Bestie!
TẬN DỤNG VỎ CHAI NHỰA CÓ VƯỜN RAU XANH MƯỚT, ĂN QUANH NĂM KHÔNG HẾT
Ngoài việc dùng chậu thì các bạn cũng có thể tận dụng những vật dụng bỏ đi để trồng rau hoặc các loại rau gia vị phục vụ bữa ăn. Cách làm cực kỳ đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị các chai nhựa rỗng và thực hiện theo hướng dẫn dưới đây là được.
Từ những chai nhựa, bạn dùng kéo cắt một mảng lớn phía trên để cho đất và hạt giống vào, sau đó đục thêm lỗ nhỏ phía dưới để thoát nước. Nếu không thích để dưới đất, bạn có thể nối với dây treo theo hàng dọc giống như hình để tạo thành khu “vườn treo” đẹp mắt. Cách này vừa giúp tạo cảnh quan đẹp cho ngôi nhà, vừa cung cấp thêm rau sạch để nấu ăn và đặc biệt giúp bảo vệ môi trường hiệu quả…
Xem thông tin chi tiết TẠI ĐÂY!