Theo đó, bà mẹ có cách rèn giũa hai con khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ như trên chính là cô Lã Thị Thanh Hà (bác sĩ da liễu và là giảng viên, trưởng khoa Da liễu Học viện Y dược Cổ truyền), và hai "công chúa" của cô là Tôn Hà Anh và Tôn Hiền Anh. Bác sĩ Thanh Hà nổi tiếng khi đã nuôi dạy hai con gái xinh đẹp, trưởng thành và đều đỗ vào Đại học Harvard - ngôi trường top đầu đào tạo trên thế giới.

>> Đừng bỏ lỡ: 5 thời điểm bố mẹ đừng nên nói "không" với con
Được biết, năm 2012, Tôn Hà Anh - cô con gái lớn của cô đã được nhận học bổng toàn phần từ ĐH Harvard (bên cạnh học bổng toàn phần của các trường đại học hàng đầu khác ở Mỹ như Princeton, Columbia, Brown và Wellesley College). Và 6 năm sau, năm 2018, cô em gái Tôn Hiền Anh cũng nhận được học bổng toàn phần từ ngôi trường đại học danh giá bậc nhất thế giới này.

Đặc biệt, những chia sẻ về quan niệm dạy con của giảng viên - bác sĩ Thanh Hà luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Nữ bác sĩ từng bộc bạch bí quyết nuôi dạy hai con của mình rằng: "Ai cũng kỳ vọng và mong các con có thể tự giác học, tự giác giỏi. Trẻ em không thể sinh ra đã tự giác mà cần sự giáo dưỡng liên tục. Nhưng tôi cũng đồng cảm với những khó khăn của các bố mẹ. Có một sự thật là, để nuôi một đứa trẻ nên người, chúng ta không chỉ "tốn não" mà còn đánh đổi rất nhiều thứ - thậm chí là niềm vui, đam mê và cả công việc của bản thân".
Mới đây, nữ bác sĩ đã chia sẻ 4 điều quan trọng trong việc giáo dục con cái mà cô đã áp dụng, cụ thể như sau:
Áp sát con ngay từ bé
Theo bác sĩ Lã Thị Thanh Hà, đứa trẻ nào cũng ham chơi nên với các con thì cô luôn cố gắng "áp sát" con ngay từ đầu để tạo thói quen học hành. "Khi con gái lớn Hà Anh bắt đầu đi học là lúc tôi sinh Hiền Anh. Khi ấy, tôi quay cuồng trong bỉm sữa, công việc nên gắng tranh thủ thời gian. Cứ mỗi chiều vừa nấu cơm vừa trông Hiền Anh thì Hà Anh phải kê bàn ngồi học cạnh mẹ ngay trong căn bếp"...

"Và rồi, khi Hiền Anh đi học cấp 1 là khi tôi lại đi học tiếp. Hai đứa luôn ngồi học cùng mẹ, vừa học vừa tranh thủ kèm cho các con. Có lần tôi mệt quá ngủ gật thì giật mình thấy Hà Anh hét toáng lên. Thì ra Hiền Anh lấy nước đổ lên đầu chị vì... hỏi bài mà chị mải học không trả lời" - bác sĩ Thanh Hà chia sẻ thêm về việc "áp sát con ngay từ bé" từ những chuyện đơn giản như vậy.

>> Bạn biết chưa: 12 dấu hiệu cho thấy bạn đang nuôi dưỡng 1 đứa trẻ hư
Làm gương vượt qua cám dỗ
Ngoài việc "áp sát từ bé" thì các bậc làm cha mẹ còn phải vượt qua cám dỗ cho con. Với bác sĩ Thanh Hà thì... "Ngày nghỉ cuối tuần ai cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng tôi cũng thôi vì hai con phải học thêm. Sáng trời có mưa như bão cũng phải đi học. Đến nơi cô bé còn gà gật không chịu xuống xe và lè nhè: "Mẹ ơi đến rồi à..." đầy tiếc nuối".

Bà mẹ giảng viên - bác sĩ này còn chia sẻ thêm: "Nhiều khi mình kỷ luật con nhưng chính mình cũng... sa ngã. Một mùa hè cách đây nhiều năm trước, nhà lần đầu có máy tính cài trò chơi bắn gà. Hiền Anh rủ mẹ và chị cùng chơi, chơi cho vui nhưng thành ra nghiện. Một thời gian ngắn tôi giật mình khi nhận ra trưa nào mình cũng chỉ mong về nhà thật nhanh để chơi cùng con. Cả mẹ lẫn con ngày nào cũng chơi rất đam mê. Tôi quyết định thu lại máy (dù bản thân cũng tiếc)". Theo quan điểm của bác sĩ Thanh Hà, trong việc dạy con, nếu mình không vượt qua được cám dỗ thì đừng nghĩ đến chuyện con trẻ nghe lời. Và tất nhiên, mình chơi game thì không thể bảo con đi đọc sách được!

Lạt mềm buộc chặt
Tuy nhiên, để hai con phát triển tốt nhất thì vợ chồng nữ bác sĩ cũng không ủng hộ việc nuôi dạy con theo phương pháp bạo lực hay quá độc đoán mà thay bằng cách "lạt mềm buộc chặt". Bác sĩ Thanh Hà chia sẻ thêm về vấn đề này: "Nhà tôi thường áp dụng bản kiểm điểm. Việc này giúp các con có cơ hội diễn giải lại sự việc và chủ động chỉ ra những điều cần khắc phục".

Và vấn đề ấy càng thể hiện rõ hơn trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày ở gia đình cô. Nữ bác sĩ bộc bạch: "Nếu giờ giấc của tôi có phần hơi lung tung vì còn phải trực đêm ở bệnh viện thì ông xã tôi vẫn dậy tập thể dục đúng 5h sáng mỗi ngày, dù mùa đông hay mùa hè. Và ông xã tôi cũng đã áp "kỷ luật thép" này lên cả hai đứa con. Nghỉ hè, các con vẫn phải dậy lúc 5h30 sáng để vận động, chơi thể thao, bắt đầu một ngày mới. Tôi cảm thấy xót con vì chúng ngủ không được tròn giấc, nhưng không thể phủ nhận là hai đứa con được rèn cho tính kỷ luật, giờ nào việc nấy vì phương pháp có phần hơi... quân phiệt của ông xã".
Chỉ được tiến, không được lùi
Cuối cùng bác sĩ Thanh Hà còn dạy hai con rằng, trong công việc, học tập và cả cuộc sống thì "chỉ được tiến chứ không được lùi". Cô chia sẻ thêm: "Hai cô con gái tôi cũng khá bướng bỉnh, và để "nắn gân" hai cô con gái ương ngạnh này, tôi có một luật bất thành văn ở nhà là: Con sẽ được làm thứ con thích với hai điều kiện. 1 là khi đã chọn thì không được cả thèm chóng chán. 2 là con sẽ phải chấp nhận hậu quả nếu ba mẹ đã khuyên mà con không nghe".

>> Xem thêm: Mẹ giúp con "cai nghiện" điện thoại nhờ chiêu "tấm cám thời 4.0"
"Con đã lớn không có nghĩa là mọi việc dễ dàng hơn. Thời gian đầu, khi cô con gái lớn Hà Anh tốt nghiệp ĐH và bắt đầu đi làm, khi ấy mọi việc rất khó khăn. Tuần nào con gái cũng gọi điện về phát khóc với tôi vì áp lực. Tôi động viên con: Cái gì mới cũng đều không dễ dàng, đã chọn thì hãy bước tiếp. Không thể vì khó khăn bước đầu như vậy mà chán nản rồi sinh tâm lý muốn nhảy việc, và nếu thế thì trên đời này sẽ không có cái gì thành công đến với mình. Nếu qua 6 tháng mà con vẫn cảm thấy không phù hợp, chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Sau đó cô con gái lớn Hà Anh đã dần trở nên yêu thích công việc ấy, công việc mà con gái tôi tí nữa thì bỏ cuộc" - cô chia sẻ thêm.
Quả thật, để hai cô con gái của mình có được thành công bước đầu như ngày hôm nay, bác sĩ Thanh Hà đã "rèn giũa" 2 cô nàng những thói quen nghiêm khắc ngay từ nhỏ như thế đấy. Tuy vậy, nữ bác sĩ cũng chia sẻ rằng, cuộc sống muôn hình muôn vẻ và có nhiều lối đi khác nhau, không ai có quyền áp đặt quan điểm dạy con cho người khác và cũng chẳng có công thức chung nào trong vấn đề này. Nếu có, chỉ có một mẫu số chung là sự yêu thương vô bờ bến dành cho các con của chúng ta. Còn bạn, nếu có suy nghĩ gì về vấn đề này thì cùng chia sẻ bằng những bình luận bên dưới nhé!
Xem thêm nhiều tin hot trên Bestie!
BỐ MẸ LÀM NGƠ KHI CON LÀM ỒN TRONG THANG MÁY: THƯƠNG CON THÀNH HẠI CON
Bên cạnh những bí kíp dạy con rất hay của nữ bác sĩ như trên thì nếu thường xuyên tương tác với con, bố mẹ cũng cần để ý đến những hành vi chưa đúng của trẻ và qua đó có sự uốn nắn chúng kịp thời. Ví như, khi trẻ làm ồn trong thang máy gây ảnh hưởng đến người khác chẳng hạn.
Trẻ nhỏ thường hiếu động và chúng chưa nhận thức được hành vi của mình là sai. Do đó bố mẹ khi bắt gặp cảnh con gây phiền hà cho mọi người thì nên yêu cầu con xin lỗi, đồng thời phân tích cho trẻ hiểu tại sao không nên làm ồn trong thang máy như thế. Nếu bố mẹ làm ngơ những tình huống như thế sẽ khiến mọi người khó chịu hơn, nhất là đứa trẻ sẽ càng được nước làm tới và không biết tôn trọng người khác…
>> Xem thêm thông tin TẠI ĐÂY.