Việc được cập nhật xu thế thời trang, công nghệ hay thỏa mãn tâm lý săn hàng giảm giá khiến không ít người lao đầu vào công cuộc mua sắm. Đôi khi cái vừa mua còn chưa dùng nhưng bản thân lại cảm thấy số lượng đồ mình có chưa bao giờ là đủ và thế là lại nghĩ cách để mua đồ mới cho bằng được.
Thế nhưng ẩn đằng sau thú vui mua sắm đó, nhiều người lại bất chấp hệ quả để có thể khuây khỏa nhu cầu mua sắm của mình. Từ việc chen chúc có thể bị thương, bị mất đồ, có người thậm chí còn mang cả con nhỏ theo vì không có ai trông coi nhưng đồ mình thích thì đang bày bán.
Việc cuồng mua sắm ngày càng lan rộng trong giới trẻ
Đối với nhiều người, mua sắm giống như một “liều thuốc” tâm lý giúp thư giãn và xả stress rất hiệu quả. Cảm giác được đi dạo phố phường ngắm nghía quần áo, mua vài ba món đồ sẽ khiến họ giải tỏa tâm lý sau giờ làm việc, học tập căng thẳng.

Tuy nhiên, từ một việc làm mang tính thỉnh thoảng, trở thành hành động thường xuyên không kiểm soát được thì vấn đề đang ngày một nghiêm trọng. Đặc biệt là giới trẻ hiện nay, ngày càng có nhiều người khó thoát khỏi những “cám dỗ” của vô vàn các loại mặt hàng.
Nhu cầu cập nhật xu hướng, nhu cầu được thể hiện dường như đã khiến họ không thể làm ngơ với những mẫu mã hàng hóa mới nhất. Đó là chưa kể để kích cầu tiêu dùng, các nhà kinh doanh cứ dăm bữa nửa tháng lại “nghĩ” ra một ngày, một lý do nào đấy để giảm giá. Thử hỏi có mấy ai lại không “yếu lòng” trước việc này cơ chứ.
>> Xem thêm: Cô gái trẻ tiết kiệm được 2 tỷ trong 3,5 năm chỉ nhờ "không ăn hàng, ngừng mua sắm"
Mua sắm một cách bất chấp
Tháng 11 vừa qua, cả thế giới tập trung sự chú ý vào đợt giảm giá lớn nhất năm Black Friday. Vào ngày này rất nhiều người sẽ xếp hàng quanh các cửa hàng, trung tâm để mua bằng được món đồ mình yêu thích. Và đối với những người có sở thích mua sắm thường xuyên thì đây là ngày nhất định phải tiêu tiền.

Dĩ nhiên, nếu mua sắm trong khả năng hay điều kiện cho phép và có tính toán cẩn thận thì sẽ chẳng ai có thể chê trách gì. Song như đã nói ở trên, nhu cầu của nhiều bạn trẻ ngày nay đã biến mua sắm từ một sở thích mang tính tiêu khiển đạt đến ranh giới của chứng “cuồng” mua sắm.
Ví dụ đơn cử như vào ngày Black Friday, có những người không thể nằm ngoài xu thế của thế giới mà cũng tìm cách để sở hữu cho mình nhiều món đồ. Một người phụ nữ từ Đồng Nai đã lặn lội lên trung tâm thương mại lớn ở Sài Gòn để thỏa mãn nhu cầu săn hàng khuyến mãi của mình.

Nhưng điều đáng nói ở đây là người này lại mang theo cả con nhỏ mới có 1 tuổi còn chưa biết đi theo. Việc làm này hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ mà đó còn chưa kể đến chuyện giữa một trung tâm đông đúc người, khó có thể lường trước được nhiều trường hợp xảy ra.
Không chỉ tiêu tốn cả đống tiền để mua đồ mà ngay cả việc chen chúc trong đám đông để kiếm được món đồ như ý thì đôi khi đồ còn chưa mua được đã mất mát lấy vài thứ rồi. Trong sự kiện khai trương một thương hiệu mới đây tại TP.HCM, một người khách đã bị lấy mất điện thoại chỉ trong phút chốc vì bên trong cửa hàng quá đông người. Thế này thì còn đâu vui vẻ đi mua đồ nữa.

>> Có thể bạn quan tâm: Bí kíp mua sắm: Hàng đẹp chưa chắc tốt, phải trực tiếp thấy đóng gói
Hệ quả của bệnh cuồng mua sắm
Cuồng mua sắm trong một thời gian dài có thể tiến triển thành một căn bệnh tâm lý cần phải điều trị. Bởi lẽ mua sắm quá độ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến không chỉ sức khỏe mà còn cả khả năng tài chính của bản thân nữa.
Việc mua sắm “thả phanh” thì cái ngày “viêm màng túi” cũng chẳng còn xa nữa. Nhưng để cố gắng khỏa lấp niềm đam mê, có những người còn nhịn ăn, nhịn uống, làm việc cật lực hơn để bổ sung nguồn tài chính.

Điều này vô hình chung làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến họ trở nên mệt mỏi và dễ bực bội hơn. Nhiều người có khi phải “vắt óc” suy nghĩ làm cách nào để kiếm ra tiền mua đồ dẫn đến việc chưa kịp giải tỏa tinh thần bằng việc mua sắm thì đã stress cực độ vào việc nghĩ kế rồi.
>> Đừng bỏ lỡ: Từ bỏ mua sắm vô tội vạ, giảm bớt ăn vặt, cuối tháng tôi tiết kiệm được khối tiền
Bất kì ai cũng sẽ có nhu cầu mua sắm. Nhưng mua sắm sao cho hợp lý thì mới là điều đáng bàn. Đừng để bản thân quá sa đà vào việc mua sắm những món đồ vô bổ hay không cần thiết. Lợi ích của mua sắm nhiều chưa thấy đâu thì có khi đã mang về rất nhiều tác hại rồi đó.
Cùng cập nhật thêm nhiều thông tin mới tại Bestie nhé!
BÁC SĨ MÜLLER: NGHIỆN MUA SẮM TRỰC TUYẾN LÀ DẤU HIỆU CỦA TÂM THẦN
Ngày nay khi cuộc sống quá bận rộn thì mua sắm online là sự lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý lại khẳng định việc làm này có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của mọi người.
Nhiều người nghiện mua sắm trực tuyến có khả năng bị lo lắng hoặc trầm cảm. Và chứng rối loạn mua sắm từ lâu đã xuất hiện và được công nhận trong nhiều thập kỷ. Mua sắm quá nhiều khiến khả năng tài chính của bạn bị ảnh hưởng, gây mâu thuẫn trong gia đình và khiến bản thân mất tự chủ.
Xem thêm chi tiết TẠI ĐÂY!