07/15/2019 14:59

Phim hài Ấn Độ Ba Chàng Ngốc: Thành công chỉ đến khi chúng ta ngừng theo đuổi nó

D.H. - Theo thethaovanhoa.vn D.H.

Bất cứ bạn học sinh hay sinh viên nào cũng đều có thể tìm thấy bản thân mình trong bộ phim vô cùng ý nghĩa này.

Cách đây đúng 10 năm, điện ảnh Ấn Độ từng có một bộ phim hài gây tiếng vang không chỉ tại Ấn Độ mà còn lan ra nhiều quốc gia khác, bộ phim mang tên Ba Chàng Ngốc (3 Idiots).

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết mang tên Five Point Someone: What not to do at IIT của tác giả Chetan Bhagat với kinh phí đầu tư 35 triệu rupee (11 tỷ đồng), bộ phim đã thu về đến 385 triệu rupee (130 tỷ đồng), lập kỷ lục doanh thu tại Ấn Độ vào thời điểm đó. Không những thế, bộ phim còn giành được rất nhiều giải thưởng cao quý tại Ấn Độ. Trên trang IMDb, phim được chấm 8,4/10 điểm, còn trên trang Rotten Tomatoes, cho đến hiện tại bộ phim này vẫn được giới phê bình đánh giá 100% phim hay.

Ba Chàng Ngốc, bộ phim hài giàu giá trị nhân văn của Ấn Độ
Ba Chàng Ngốc, một trong những bộ phim hài hay nhất của Ấn Độ.

Qua sự chỉ đạo tài tình của đạo diễn Rajkumar Hirani, Ba Chàng Ngốc kể về ba người bạn có xuất thân, tính cách và đam mê hoàn toàn khác nhau, cùng trúng tuyển vào ngôi trường danh giá là Học viện Cơ khí Hoàng gia Ấn Độ, rồi trở thành ba người bạn thân thiết. Trải qua rất nhiều áp lực với chuyện học hành thi cử, cùng với đó là những tình huống dở khóc dở cười, bộ phim kết thúc khi mỗi người theo đuổi một con đường riêng, thành công với ước mơ của riêng mình.

>> Bạn biết chưa: Nữ phi công Nguyễn Trần Diệu Thúy và câu chuyện biến ước mơ bị cho viển vông thành sự thật

Bộ phim thu hút khán giả không chỉ nhờ những tình huống gây cười, những câu thoại đậm chất triết lý, mà còn bởi qua đó, khán giả như bắt gặp hình ảnh của chính bản thân mình trong đó. Quả thật, bộ phim Ba Chàng Ngốc đã rất thành công khi xây dựng được những nhân vật vô cùng gần gũi và chân thực trong xã hội Ấn Độ, cũng như ở bất cứ đâu trên thế giới.

Ba Chàng Ngốc, bộ phim hài giàu giá trị nhân văn của Ấn Độ
Với ngoại hình hao hao Albert Einstein, thầy hiệu trưởng Virus là một nhân vật điển hình cho lối giáo dục lạc hậu, kém tư duy mà chỉ nặng về lý thuyết.

Điển hình nhất là chân dung thầy hiệu trưởng Viru Sahastrabuddhe, một con người cố chấp, lạc hậu, cứng nhắc với phương pháp giảng dạy nặng về lý thuyết, lúc nào cũng chỉ muốn học sinh nhồi nhét kiến thức để có thành tích tốt nhất mà không chú trọng đến tính sáng tạo của việc học. Quan điểm của ông đó là: "Cuộc sống là một cuộc đua, nếu không chạy cho nhanh sẽ bị người đời giẫm đạp,""Người về nhất mới là người quan trọng, chẳng có ai nhớ đến người về nhì." Ông được các sinh viên "trìu mến" đặt cho cái tên Virus, đọc trại theo tên ông.

Farhan, một trong ba chàng ngốc trong phim, là một nhân vật dành cả thanh xuân để theo đuổi ước mơ của... cha mẹ. Ngay từ khi chào đời, anh đã được cha mình định sẵn sẽ làm một kỹ sư trong tương lai, mặc dù đam mê của anh là một nhiếp ảnh gia động vật hoang dã, và anh thi vào trường Cơ khí chỉ để cha mẹ được vui lòng. Anh có một câu nói rất đúng với tâm lý của sinh viên, đó là:

"Khi bạn mình thi trượt, chúng tôi cảm thấy rất buồn. Nhưng khi bạn đứng nhất, chúng tôi còn thấy buồn hơn nữa."

Ba Chàng Ngốc, bộ phim hài giàu giá trị nhân văn của Ấn Độ
Farhan cả thanh xuân chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.

Trong khi đó, chàng ngốc thứ hai là Raju có niềm đam mê được trở thành một kỹ sư nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh chọn đi học như một cách để vươn lên trong cuộc sống, nhưng lại sống dưới vô vàn áp lực và sợ hãi. Raju cả đời chỉ có niềm tin vào thần linh, lúc nào cũng cầu nguyện, số nhẫn thánh đeo trên tay còn nhiều hơn cả số ngón tay. Nếu gặp vấn đề, anh chọn giải pháp né tránh chứ không dám đối diện với nó.

>> Đáng suy ngẫm: Thất bại là thứ ta không thể lựa chọn, nhưng ta có thể thay đổi nó

Một nhân vật khác cũng rất thú vị đó là nhân vật Chatur, được các bạn đặt cho biệt danh là Kẻ Im Lặng vì chỉ biết lao đầu vào học vẹt (và đánh trắm không phát ra tiếng động). Anh chàng này luôn cho rằng chỉ có cách học thuộc hết tất cả mọi thứ trong sách, anh sẽ là một sinh viên xuất sắc. Đây là một nhân vật điển hình trong xã hội, mang tư tưởng của kẻ luôn theo đuổi thành công chứ không theo đuổi ước mơ, vì đơn giản Chatur không có ước mơ.

Ba Chàng Ngốc, bộ phim hài giàu giá trị nhân văn của Ấn Độ
Chatur là một anh chàng sống không có ước mơ, chỉ biết học vẹt, và học chỉ để kiếm tiền.

Tất nhiên không thể bỏ qua nhân vật chính, Rancho, một trong ba chàng ngốc của bộ phim. Đây là một anh chàng vô cùng thông minh, đi học vì khao khát kiến thức và ham hiểu biết chứ không đam mê điểm số, và nhất là luôn muốn áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Rancho luôn sống với tinh thần lạc quan, chính anh đã giúp cho Farhan thức tỉnh và theo đuổi đam mê nhiếp ảnh, và dạy cho Raju có niềm tin vào bản thân mình chứ không phải thần linh và sống với một thái độ tích cực hơn để có được thành công.

Anh cũng giúp cho thầy hiệu trưởng Virus nhìn nhận những sai lầm trong phương pháp giảng dạy. Anh khiến cho Chatur hiểu ra rằng cả đời anh ta chỉ là người đi làm thuê cho ước mơ của kẻ khác nếu như sống mà không có ước mơ, cả đời anh ta sẽ chỉ là kẻ về nhì nếu như luôn ganh tỵ và sống chỉ để cạnh tranh với người giỏi hơn mình.

Bằng góc nhìn hài hước và vui tươi, bộ phim Ba Chàng Ngốc cho thấy mặt trái của nền giáo dục chạy theo thành tích, thất bại của cách học nhồi nhét lý thuyết, và sai lầm của những bậc phụ huynh có tư tưởng "cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" khi có những định hướng nghề nghiệp mang tính áp đặt cho con trẻ, bắt chúng theo đuổi kỳ vọng của mình nhưng trái với ước mơ của chúng.

Ba Chàng Ngốc, bộ phim hài giàu giá trị nhân văn của Ấn Độ
Bộ phim cho chúng ta thấy rằng, nếu theo đuổi ước mơ, tự khắc thành công sẽ tìm đến.

>> Câu chuyện truyền cảm hứng: Hãy ước mơ, bạn sẽ vượt qua tất cả

Bộ phim còn đem đến một cái nhìn lạc quan về cuộc sống, thôi thúc khán giả đừng bao giờ đầu hàng số phận mà hãy cố gắng vượt qua mọi nghịch cảnh, và nhất là hãy dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình. "Hãy theo đuổi sở trường của mình, thành công sẽ tự khắc tìm đến," đó là câu nói đáng nhớ nhất của Rancho. Hay như nhân vật Farhan đã nói khi thuyết phục người bố của mình rằng:

"Nếu con trở thành một nhiếp ảnh gia, con sẽ kiếm được ít tiền, nhà của con sẽ nhỏ, xe của con cũng nhỏ, nhưng con sẽ được hạnh phúc, vì điều mà con làm xuất phát từ chính trái tim của mình."

Ba Chàng Ngốc có thời lượng gần 3 tiếng đồng hồ, nhưng có lẽ đó là 3 tiếng đáng giá mà chúng ta nên bỏ ra để xem bộ phim này. Bạn sẽ không cảm thấy thời gian của mình bị phí hoài một giây phút nào đâu.

Bà cụ 89 tuổi vẫn trở thành nhiếp ảnh gia nổi tiếng: Nguồn cảm hứng ước mơ là đây

(Ảnh: IMDb)

6 tư duy tuyệt vời giúp bạn thành công đạt được ước mơ của riêng mình:

- Hãy sống vì chính bản thân mình và theo đuổi ước mơ cho riêng mình

- Nhìn mọi thứ bằng cái nhìn vui vẻ, lạc quan, tươi đẹp

- Dũng cảm tiến lên phía trước và đạp lên những lời chế giễu, những lời nhận xét tiêu cực của dư luận

- Tìm kiếm niềm đam mê thực sự trong công việc và cuộc sống thường ngày

Xem chi tiết TẠI ĐÂY

Bài viết liên quan

Video có thể bạn quan tâm
Siêu mẫu Thu Hằng: Sáng đi học, tối kiếm tiền
Scroll to top