Nếu miền Bắc có "Hề Chèo" Xuân Hinh thì miền Nam có "Hề Thơ" Anh Vũ. Đó là câu ví von của nhiều đồng nghiệp và khán giả biết đến cố nghệ sĩ Anh Vũ. Chưa qua một trường lớp đào tạo nào, Anh Vũ lại nhanh chóng bật lên thành diễn viên kỳ cựu của một sân khấu kịch. Chính nét duyên ngầm, nói nhanh, liến thoắng lại giỏi vần vè ứng đối đã giúp các tiểu phẩm hài có mặt của anh trở nên thu hút khán giả theo cách rất riêng. Giờ đây, khi đột ngột ra đi, khán giả không khỏi xót xa nhắc lại những vở hài kinh điển có những vần thơ mang dấu ấn của Anh Vũ trong suốt sự nghiệp trải gần 30 năm nhiều thăng trầm.

Anh Vũ vốn là học sinh giỏi Văn ngay từ những ngày còn mài đũng quần trên ghế trường Trung học Lê Quý Đôn. Anh còn là một trong những tuyển thủ được thầy cô tin tưởng lựa chọn vào đội học sinh giỏi Văn của trường. Thuở ấy, các sự kiện vui chơi, hoạt động ngoài giờ lên lớp Anh Vũ lại xuất hiện như một ngôi sao đình đám của trường với tài năng ứng biến bằng thơ ca, những câu nói có vần rất duyên.
Nhưng sự nghiệp học hành, ước mơ trở thành giáo viên dạy môn Văn cũng phải dang dở khi 19 tuổi, Anh Vũ đã phải ra đời bươn chải kiếm tiền đỡ đần cha mẹ. Gia đình đông anh em lại thiếu thốn, Anh Vũ tạm gác việc học để làm nhiều công việc từ phụ bán cà phê đến uốn tóc, phụ hồ sơn cửa, ...
Đó là lí do vì sao Anh Vũ thường đem thơ ca ứng biến trong các vở hài trên sân khấu.
Đức Thịnh chia sẻ: "Anh có một nick name khác mà các bạn diễn đặt cho đó là Hề Thơ. Vì vai diễn nào của anh hầu như cũng có thơ hài cả..."

Anh Vũ được biết đến là "Hề Thơ". Lối diễn hay thêm thắt những câu thơ vần vè giúp gây cười, khắc họa tính cách nhân vật chính là điểm giúp khán giả ấn tượng với anh. (Ảnh: FB)
Dưới đây là những tiểu phẩm mà nét duyên ngầm cùng tài năng ứng biến đem thơ vào vở diễn của Anh Vũ được thể hiện rõ nhất.
Tiểu phẩm "Vé số"
Trong chương trình hài Gala Cười, nhóm hài Anh Vũ đã mang đến tiểu phẩm hài Vé số để lại nhiều dấu ấn trong lòng khán giả truyền hình. Với tài ăn nói "tía lia", Anh Vũ trong vai người hàng xóm sang chia tiền trúng vé số thay cặp vợ chồng đã mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. Không chỉ khéo léo lồng ghép những slogan, Anh Vũ còn tạo ra những câu vần vè khiến người xem qua một lần đã nhớ.

"Anh cứ nghĩ coi bả qua cái tuổi ô mai tuổi bả là phô mai đầu bò rồi nghĩ sao trai cho 50 triệu". Anh Vũ dí dỏm ví von người vợ hàng xóm theo cách văn vẻ thường thấy của mình. (Ảnh: Youtube)
Tiểu phẩm "Em đi chùa Hương"
Tiểu phẩm chưa đầy 10 phút Em đi chùa Hương trong chương trình Gala Cười 2003, Anh Vũ và Thanh Thúy đã mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả. Nhân vật của Anh Vũ tìm mọi cách "cưa cẩm" nhân vật của Thanh Thúy. Cả hai đã có màn ứng đối bằng thơ hết sức thú vị và đã trở thành một trong những tiểu phẩm khiến khán giả yêu mến nghệ sĩ Anh Vũ hơn.

Diễn viên Thanh Thúy trêu chọc: "Vô duyên mới lấy chồng già/ Kêu chồng thì lỡ kêu cha nó cười" .
Anh Vũ ngay lập tức đáp lại đầy duyên dáng: "Có duyên lấy được chồng già/ Ăn xôi bỏ gói ăn gà bỏ xương".
Anh Vũ từng lý giải về nguồn thơ văn được anh đưa vào các tiểu phẩm hài: "Có những câu mình lấy trên mạng, có câu mình làm, có câu các fan thấy hay chép lại cho mình. Những câu thơ, câu nói dí dỏm đó cứ lấy ở đời sống thì nhiều vô kể. Nó làm khán giả thấy vui. Bài học như kiểu: 'Còn trẻ mà ăn chơi trác táng, về già mau tráng xi măng' dễ tiếp nhận…".
Ngoài những câu vần vè được Anh Vũ ứng biến ngay trên sân khấu hài kịch thì khi góp mặt trong các dự án phim ảnh, cái chất Anh Vũ vẫn toát ra qua những câu thoại được "đo ni đóng giày" cho cố nghệ sĩ.
Phim "Gái nhảy"
Không chỉ là một nghệ sĩ hài mà Anh Vũ còn lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh. Được đạo diễn Lê Hoàng ưu ái giao cho vai má mì diêm dúa trong Gái nhảy (2003) Anh Vũ đã không làm vị đạo diễn khó tính này phải thất vọng. Gái nhảy trở thành phim Tết Việt Nam có doanh thu cao nhất thời điểm ấy, là bàn đạp cho những cái tên siêu mẫu Minh Thư, Mỹ Duyên tỏa sáng. Phim đạt doanh thu như thế một phần có sự góp công của cố nghệ sĩ Anh Vũ với vai má mì vẻ ngoài tân thời cùng những câu thoại để đời.


Nhưng khi "lên phường" thì má mì lại ngoan hiền, lễ độ: "Tên tuổi của vũ nữ không tin được đâu anh, ở dưới quê tên Xoài tên Mít, lên đây có mấy chục Tuyết, mấy chục Hồng, và cả mấy trăm Công Tằng Tôn Nữ Thu Nguyệt". Chất hài hước của một "Hề Thơ" được thể hiện rõ rệt ngay trong từng câu thoại.

Làm má mì là có tội, theo như cách cắt nghĩa của nhân vật do Anh Vũ thủ vai thì: "Tội của em là không giáo dục vũ nữ kĩ lưỡng, nâng cao nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp".

"Tao dốt nát hơn mày nhưng tao rành đàn ông hơn mày" là một trong những câu thoại gây ấn tượng cộng với diễn xuất của xuất thần của cố nghệ sĩ Anh Vũ đã giúp khắc họa hình tượng má mì chua ngoa, đanh đá một cách chân thực nhất.

Hay như câu thoại vừa hài hước vừa phản ánh sâu cay hiện trạng mà phim "Gái nhảy" muốn đề cập: "Ba đứa bây tưởng khách tới nghe hát bằng mồm à? Chính là mông các con à!".
Việc đạo diễn Lê Hoàng đặt những câu thoại đắt giá cho Anh Vũ thể hiện là một điều hết sức đúng đắn. Với khả năng nhập vai, biểu cảm đa dạng cùng đài từ tốt, Anh Vũ đã hoàn thành vai diễn má mì hết sức chân thực, sống động. Và đây cũng chính là vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn xuất của cố nghệ sĩ.
"Hề Thơ" Anh Vũ đã mãi mãi ra đi để lại niềm tiếc thương cho đồng nghiệp và khán giả nhưng những trang đời đẫm nước mắt cùng với đó là những mốc son chói lọi trong sự nghiệp của nghệ sĩ hài Anh Vũ sẽ mãi được lưu giữ trong lòng các thế hệ sau. Giờ đây, những lời thoại kinh điển trong các tác phẩm điện ảnh, trong những tiểu phẩm hài hay các vở kịch mà anh từng tham gia chính là điều mà khán giả yêu mến anh sẽ lần giở lại mỗi khi nhớ về một người nghệ sĩ tận tụy, tận tâm với nghề đã sớm ra đi ở tuổi 47.