Mỗi chúng ta đều cố gắng hoàn thiện mình để trở thành một người tuyệt vời, tốt bụng, biết quan tâm và nhân ái. Nhưng đối với một số người, không phải ai cũng làm được điều đó. Có những hành động hoặc “thói quen xấu” khiến chúng ta tự làm cho mình trở nên khó ưa hoặc trở thành một người mà không ai muốn ở bên cạnh. Dưới đây là một số những đặc tính tai hại khiến bạn trở nên khó ưa trong mắt người khác mà nếu nhận ra mình đang “sở hữu” nó thì hãy loại bỏ ngay nhé! Bạn sẽ nhận thấy vòng kết nối bạn bè của mình sẽ trở nên rộng mở hơn khi làm điều đó.
Tự cho mình là trung tâm vũ trụ. Nhiều người thường mắc phải điều này mà không hề nhận ra. Bạn chỉ tập trung duy nhất vào bản thân, chỉ nói chuyện về chính mình và thường không quan tâm đến việc người xung quanh nói gì. Bạn nghĩ rằng bản thân mình mới là người quan trọng nhất. Nếu bạn là người như vậy, hãy thay đổi ngay. Không ai muốn làm bạn với những người suốt ngày chỉ chăm chăm quan tâm đến chính mình đâu.

Luôn suy nghĩ tiêu cực. Bi quan không phải là một tính cách hay. Nếu bạn lúc nào cũng cho là tình hình tồi tệ hoặc luôn nhìn mọi tình cảnh dưới góc nhìn tiêu cực, hãy cố thay đổi thái độ của bạn đi. Không ai muốn làm bạn với người suốt ngày thấy toàn những mặt tiêu cực mà không thấy mặt tích cực đâu.

Luôn ganh đua. Có phải bạn là người luôn muốn giỏi hơn bất kỳ ai, lúc nào cũng muốn nhìn thấy nhiều hơn và làm nhiều hơn? Nếu đúng là như vậy thì bạn đang là người khó ưa rồi đó. Bạn nên quan tâm đến những người bạn của mình nhiều hơn và hãy để họ có cơ hội được thể hiện mình. Nếu họ có thể vượt qua được nỗi sợ hãi về độ cao và leo lên được độ cao 3 mét thì bạn đừng nói: “Chỉ có vậy thôi sao? Tớ còn leo được 9 mét cơ” mà hãy nói: “Tuyệt quá. Mình thật tự hào về cậu”.

Chưa hiểu gì về nhau đã “vạch áo cho người xem lưng”. Thông thường, người ta sẽ càng thích nhau hơn sau khi cởi mở trao đổi thông tin với nhau. Tự bộc lộ bản thân là một trong những cách tốt nhất để giao lưu kết bạn như một người trưởng thành thực thụ. Tuy nhiên, các nhà tâm lí học nói rằng chia sẻ những gì quá riêng tư, như là việc chị gái bạn đang ngoại tình trong khi bạn vẫn đang trong quá trình tìm hiểu người đó có thể khiến bạn trở nên bất an và làm giảm mối quan tâm từ người đối diện. Phải khéo léo làm sao để bản thân trở nên gần gũi mà không trở nên bất nhã. Dựa trên nghiên cứu của Susan Sprecher thuộc Đại học Illinois, chỉ cần chia sẻ những thông tin liên quan đến sở thích và kỉ niệm đẹp thời thơ ấu của bạn thôi cũng khiến bạn trở nên đẹp hơn trong mắt người khác rồi.

Liên tục than thở. Thay vì nói làm việc, những người này nói tôi phải làm việc. Thay vì nói đi tập thể dục, những người này nói tôi phải đi tập thể dục. Những câu chữ đơn giản thôi nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến thái độ, không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh. Bạn không “phải đi tập thể dục”, bạn tập để có sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn. Bạn không “phải làm việc”, bạn làm công việc của mình để đóng góp cho công ty và kiếm tiền cho bản thân và gia đình. Ai cũng thích ở gần những người vui vẻ, nhiệt thành. Cũng là một việc, một câu nói, hãy chọn từ ngữ tích cực để tỏa ra nguồn năng lượng thu hút. Bạn sẽ thấy vui vẻ hơn và mọi người cũng quý mến bạn hơn.

Không chân thành. Để trở thành một người bạn tuyệt vời hoặc một người mà người khác muốn ở bên cạnh, bạn cần phải là người chân thật. Nhiều người có phần hành xử xấu xa thường là những người không chân thật, họ nói dối về mọi thứ, dò xét câu hỏi người khác hỏi họ cũng như cảm xúc thật sự về những thứ khác nhau. Vậy nên, hãy nhớ rằng chân thật vẫn là thượng sách.
Nói nhiều mà không lắng nghe. Những người này thích nói về họ nhiều đến nỗi không cho bạn có cơ hội để hỏi hay nhận xét ý kiến nữa. Nếu bạn có lên tiếng, họ cũng chẳng nghe. Không có gì ngạc nhiên khi nhóm người này khiến việc ngồi đối diện họ quả thực là một sự tra tấn.

Khi trò chuyện, hãy nhớ nhìn về phía người đối diện, đặt câu hỏi khi mình đã nói, và khi họ nói hãy nhớ cười, hay nheo mày, hay gật đầu… tất cả những gì khiến người đối diện cho thấy đây là một cuộc trao đổi giữa hai phía. Đừng đưa ra lời khuyên nếu bên kia chưa nhờ bạn góp ý. Lắng nghe tốt hơn là đưa ra ý kiến. Dễ hiểu thôi, khi bạn lắng nghe, người đối diện cảm thấy họ quan trọng, còn khi bạn bắt đầu khuyên bảo, bạn trở nên quan trọng hơn.
Trọng trên, khinh dưới. Những người này trước mặt các sếp hay khách quý thì tỏ ra sốt sắng, chân thành, trong khi xem người dưới quyền là không đáng cho họ trân trọng. Đừng là những người này! Khi bạn thô lỗ với người dưới quyền bạn, một ngày nào đó, một người nào đó đứng ngoài sẽ biết, và nhanh chóng tất cả mọi người đều biết, kể cả các ông sếp bà sếp quý của bạn. Và khi đó, tất cả những hình ảnh đẹp bạn cố công xây dựng trong thời gian qua sẽ thành mây khói. Những người đáng mến xử sự tốt với tất cả mọi người, lắng nghe tất cả mọi người, vì họ trân trọng tất cả mọi người.

Giả vờ khiêm tốn. Nhiều người thường muốn gây ấn tượng với bạn bè và ghi điểm trong mắt cấp trên bằng cách tránh tự khen ngợi và cố giả vờ chỉ trích bản thân. Động thái “giả vờ khiêm tốn” này có thể khiến người khác “ngứa mắt” và biến bạn thành người giả tạo. Trong một nghiên cứu gần đây, các sinh viên đại học được yêu cầu viết câu trả lời của mình cho câu hỏi về điểm yếu lớn nhất do nhà tuyển dụng hỏi khi phỏng vấn.

Kết quả cho thấy hơn 3/4 số sinh viên tỏ ra khiêm tốn giả vờ, che giấu đi câu trả lời rằng họ là người cầu toàn và làm việc quá chăm chỉ. Tuy nhiên, những trợ lí nghiên cứu độc lập cho rằng họ sẽ muốn nhận những ứng viên trung thực hơn và cảm thấy ở họ có gì đó rất đáng thu hút. Thường những ứng viên đó sẽ trả lời kiểu như “Không phải lúc nào tôi cũng ở trạng thái quy củ nhất” hay “Thỉnh thoảng tôi phản ứng thái quá trong một số tình huống”.
Một người thô lỗ. Nếu bạn thường bị nhận xét là bất lịch sự hoặc bị người khác xa lánh vì những câu nói thô lỗ của mình ngay trước đám đông thì hãy dừng lại ngay đi. Bạn không phải là người mà mọi người muốn ở bên cạnh đâu. Sẽ có những lúc bạn không đồng ý với ai đó hoặc không muốn thấy những thứ bạn không muốn thấy nhưng bạn không cần làm loạn lên trước đám đông, bởi mọi người sẽ thấy cách cư xử tệ hại của bạn và không nhìn nhận theo cách mà bạn đang nghĩ đâu.

Nhân cách của bạn chính là sự tổng hợp của các thói quen. Một khi bạn để cho những thói quen xấu xâm chiếm, hiển nhiên chúng sẽ thành chướng ngại cho con đường tiến tới thành công của bạn. Tuy nhiên, thói quen xấu thường diễn ra thầm lặng, chúng từ từ và nhẹ nhàng chiếm lấy con người bạn, tới mức khi bạn nhận ra tác hại to lớn của chúng thì đã quá muộn. Hãy nhớ, những người khó ưa như những tấm gương phản chiếu những khía cạnh mà chúng ta đang che giấu. Bằng cách thừa nhận sự không hoàn hảo của mình và tích cực sửa đổi, chúng ta có khả năng sử dụng chúng một cách có lợi cho cuộc sống.
Ảnh: Pinterest