So sánh bản thân với người khác, và thậm chí đố kị với họ, là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng không biết bạn thế nào, chứ riêng bản thân tôi, khi tôi so sánh bản thân mình với những người khác, tôi luôn có cảm giác mệt mỏi, tự ti, kém vui và rồi tôi nhận ra bản thân đang tạo ra những câu chuyện về việc tôi không đủ giỏi như thế nào, tôi tệ hại ra sao... Những cảm xúc tự thân đó khiến tôi căng thẳng, khiến tôi không thể sống, làm việc một cách sáng tạo và đúng với khả năng của mình. Tôi bị ám ảnh với khuyết điểm của bản thân, thay vì chú ý vào những điều mà bản thân vượt trội hơn người khác, tôi giờ đang đặt sự tập trung của mình vào nhầm nơi.
Tôi muốn nói với các bạn rằng: Khi các bạn đang so sánh mình với những người khác, bạn đang không tập trung vào bản thân và những việc mình có thể làm theo cách riêng của bạn. Hay nói cách khác tôi hiểu ra rằng để sống hạnh phúc thì hãy dừng so sánh bản thân với người khác. Trên đời này, vốn dĩ mỗi người đều có múi giờ riêng để phát triển bản thân
Vì thế đây là lúc chúng ta cần làm một việc tuy là khó nhưng cực kì cần thiết, đó là hãy ngừng so sánh mình với người khác. Thế giới này cần những khả năng đặc biệt của riêng mỗi người. Đây là những bước đơn giản nhất để bắt đầu:
Có ý thức với những suy nghĩ của mình. Nếu một lúc nào đó bạn nhận ra mình đang có ý định so sánh bản thân với ai đó khác, hãy dành ra vài phút bình tĩnh và dừng việc đó lại. Thường thì chúng ta có những suy nghĩ này một cách rất tự nhiên và vô thức, nó giống như việc chúng ta đang nuông chiều những ý nghĩ tiêu cực trong đầu óc mình vậy. Vậy nên điều đầu tiên chúng ta cần làm là phải tập suy nghĩ một cách “có ý thức” để khi đối mặt với suy nghĩ tiêu cực, trực giác sẽ cản nó lại.

Hiểu rằng mọi so sánh đều khập khiễng. Có vô vàn yếu tố tạo nên sự thành công của mỗi người, không ai giống ai, và không thành công nào đến chỉ nhờ vào may mắn. Hầu hết mọi người chỉ chia sẻ thành quả của mình mà ít khi kể lại những khó khăn, vất vả, hy sinh đã phải bỏ ra để đạt được thành quả cuối cùng. Vì vậy, đem bản thân ra so sánh khi chưa biết hết thông tin về người khác là bất công cho chính mình. Hãy hiểu rằng mọi so sánh đều chỉ có tính tương đối, hãy đặt toàn bộ nguồn năng lượng tích cực vào bản thân mình để hướng đến cuộc sống mà ta hằng mong ước.

Luôn nhớ rằng những gì bạn thấy chỉ là một phần của câu chuyện. Thường thì nguồn gốc của những suy nghĩ so sánh tiêu cực trong đầu bạn chính là bởi những câu chuyện, hình ảnh bạn thấy trên mạng xã hội, qua báo đài, tạp chí, truyền hình… hay qua những buổi gặp gỡ trong các buổi tiệc, nơi người ta phô bày những điều đẹp đẽ nhất về mình. Cũng chính bởi đó chỉ là những “điều đẹp đẽ nhất”, vậy nên chúng ta sẽ thật sai lầm khi nhìn vào một phần nhỏ để đánh giá về toàn bộ câu chuyện hay cả một con người. Vậy nên đừng bao giờ để những điều hào nhoáng ở đâu đó làm ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn

Biết trân trọng bản thân. Việc trân trọng những giá trị bản thân và biết ơn những gì mình có là phương pháp hiệu quả nhất để rèn luyện tư duy tích cực. Trong trường hợp này cũng vậy, nếu bạn biết trân trọng những giá trị vốn có của mình, bạn có thể tự kéo bản thân ra khỏi hố đen tiêu cực của việc so sánh bản thân và ghen tị với người khác.

Thấy được điểm mạnh của mình. Việc so sánh bản thân với người khác bắt nguồn từ sự tự ti của bạn, vậy nên việc củng cố sự tự tin chính là điều cực kì quan trọng để loại bỏ những siêu nghĩ tiêu cực kia khỏi đầu bạn. Chúng ta vẫn luôn bị những ý nghĩ tiêu cực về bản thân “dắt mũi” mà quên đi rằng, ai trong chúng ta cũng có những điểm mạnh riêng và chúng ta cần tự hào về nó.

Giảm bớt thời gian cho mạng xã hội. Có một nghiên cứu khoa học đã cho thấy, việc bạn mải mê với những chia sẻ trên mạng xã hội, đắm chìm trong những câu chuyện của “người đời” sẽ rất dễ khiến bạn rơi vào trạng thái cô đơn, chán nản và đôi khi là cả sự thất vọng về bản thân. Thêm vào đó, mạng xã hội là khởi nguồn của những đố kỵ, soi mói, khiến ta khó kiểm soát được luồng suy nghĩ tiêu cực và không ngừng so sánh bản thân với người khác. Để rèn luyện tư duy tích cực, bạn nên bắt đầu suy nghĩ thấu đáo hơn khi sử dụng mạng xã hội.

Biết khen ngợi một cách chân thành. Khi bạn thấy một bà mẹ đang chăm con ở ngoài phố tốt hơn bạn, đừng bắt đầu với những suy nghĩ rằng cô ấy hoàn toàn có thể làm được vì cô ấy không đi làm, giàu có hoặc được chồng yêu thương hết mực… Thay vào đó, bạn hãy khen ngợi cô ấy. Lời khen có thể chặn đứng những suy nghĩ tiêu cực và đôi khi sẽ làm bạn cảm thấy tốt hơn khi nhận được phản ứng tích cực của người được khen. Lời khen chân thật bên ngoài sẽ giữ chúng ta khỏi sự ganh tị bên trong và khỏi thói quen bình phẩm người khác.
Không dễ để có thể nói lời chúc mừng tới những người bạn, những người đồng nghiệp vì sự thành công nào đó của họ mà chúng ta không có một chút so sánh hay tự ti gì về mình. Khi chúc mừng người khác cũng là lúc chúng ta nghĩ lại về những thất bại, thiếu sót của bản thân và bắt đầu đặt ra những câu hỏi kiểu như “tại sao mình không thể được như người ta?“. Thay vì những câu hỏi so sánh đầy tự ti như vậy, chúng ta hãy nhìn vào những thành công của người khác và lấy đó làm động lực cho bản thân, hãy tự nhắc nhở mình rằng “họ làm được, mình cũng sẽ làm được nếu như mình nỗ lực“.