Bạn đã từng là một người tử tế. Bạn luôn nghĩ đến người khác hơn cả nghĩ cho bản thân mình, và làm mọi thứ có thể để làm hài lòng những người xung quanh. Bạn xung phong làm phần lớn công việc cho các dự án của công ty. Bạn rút lại những yêu cầu của mình nếu như chúng làm người khác không thoải mái. Và tất cả thời gian rảnh của bạn đều là việc cho đi, cho đi, và cho đi. Thế nhưng, dù đã đối xử tốt với mọi người như thế, nhưng kết quả thì không như những gì bạn mong đợi. Và cho đến một ngày nhận được quá nhiều trái đắng, bạn mới bắt đầu hiểu, nếu muốn sống tử tế hơn và cho đi nhiều hơn, thật sự cần phải ít tử tế hơn một chút. Vì sao phải thế? Hãy nghe qua những điều sẽ xảy đến với những người quá tử tế bạn sẽ hiểu ngay.
Nếu như lúc nào bạn cũng là người "cho" thì người ta sẽ luôn tìm đến bạn để "nhận". Chính vì thế, đừng cho không người khác cái gì quá nhiều! Cho và nhận như hai mặt của một đồng xu, bạn không thể cứ nhận của người khác mà không “xì” ra bất cứ thứ gì, cũng không thể cho đi hết những gì mình có mà không được một tí hồi đáp. Có qua có lại mới toại lòng nhau! Trước khi bạn giúp đỡ ai đó, hãy cân nhắc xem người đó có xứng đáng không. Đây không phải là sự tính toán, đơn giản vì sức người có hạn, bạn không thể làm hài lòng hết tất cả mọi người.

Việc sử dụng sự tử tế quá rộng rãi, mọi người sẽ dần không còn tin bạn. Bởi trên đời thật ra chỉ có một số ít người là tốt bụng thật sự. Nên nếu bạn cư xử quá tử tế với người khác thì họ cũng sẽ đặt ra nghi vấn bạn có động cơ gì khác không. Thậm chí người ta sẽ nghĩ bạn không đáng tin cậy và điều này khiến cho việc xây dựng các mối quan hệ cũng trở nên khó khăn hơn.
Bạn sẽ thường phải chịu những thái độ tồi tệ. Bởi khi bạn quá tử tế, bạn sẽ luôn cho rằng một ngày nào đó người khác sẽ nhận ra những việc làm tốt của mình. Điều này có nghĩa là gì: bị tát má bên này lại tiếp tục đưa má bên kia. Nhưng bạn không nhận ra một điều rằng chính bạn đang “dạy” người khác cách đối xử như vậy với mình bằng chính việc luôn đối tốt với những người này vô điều kiện.

Bạn quên đi việc phải đối tốt với chính mình. Khi bạn bận quan tâm đến người khác, bạn sẽ quên đối xử tốt với chính mình. Điều đó dẫn đến việc bạn sẽ không đạt được những nhu cầu cơ bản của bạn, và dần dần khiến bạn buồn bã và kiệt sức.
Bạn sẽ bị coi là kẻ yếu. Nếu bạn quá tử tế sẽ làm cho người khác nghĩ rằng bạn là người yếu kém. Điều đó không chỉ khiến người khác lợi dụng bạn mà họ còn không xem bạn là một người có quyền uy.

Bạn sẽ dễ tức giận với người khác. Bởi khi bạn đối xử quá tử tế với mọi người, bạn sẽ nảy sinh kì vọng rằng người ta sẽ đối xử lại với mình y như thế. Nhưng thực tế khi họ không như sự kì vọng của bạn thì bạn sẽ nổi giận và bực bội. Bạn giúp người khác khi cần và đến khi bạn cần thì chẳng ai mảy may quan tâm, vì vậy bạn sẽ quay ngược lại bận tâm và suy nghĩ về những điều tiêu cực về họ.
Bạn sẽ trở thành con mồi cho những kẻ “thích nhờ vả”. Khi bạn quá tốt hay nói khác đi là không thể từ chối lời nhờ vả của người khác thì bạn đang tự biến mình thành con mồi cho những người lười biếng và thích nhờ vả. Những người đó luôn tìm cơ hội để lợi dụng bạn bởi vì bạn không biết đặt ra giới hạn dành cho họ.

Không ai nói “cảm ơn” bạn nữa. Khi cảm thấy bạn quá dễ dàng để sai khiến, không ai còn mặn mà nói tiếng “cảm ơn” nữa, bạn thực sự đã trở thành công cụ của người khác, không hơn không kém. Nếu bạn không vừa ý, đừng làm! Bạn sợ phật lòng người khác hoặc sợ bị cho là kẻ ích kỉ. Hãy nhớ rằng, những kẻ thường chỉ trích bạn chẳng qua vì họ không trục lợi được từ bạn mà thôi.
Bạn sẽ cảm thấy “thiếu thốn”. Khi bạn không đạt được những nhu cầu mình mong muốn thì hiển nhiên bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm mọi thứ từ nhiều nơi khác. Điều này khiến bạn trở nên thiếu kiên nhẫn, cảm thấy thiếu thốn trong các mối quan hệ, cũng như liên tục tìm kiếm sự công nhận.

Bạn sẽ dễ dính vào thói quen xấu. Khi bạn không thể nhìn thấy giá trị của bản thân, bạn sẽ dễ sa vào các thói quen không tốt để giải tỏa căng thẳng. Khi bạn cảm thấy bị quá tải, bạn sẽ tìm lối thoát từ việc tiêu xài, mua sắm, ăn uống hoặc các hoạt động dễ gây nghiện khác,...

Đó là những điều thường xảy đến với những người luôn tử tế một cách miễn phí. Chính vì thế, xin nhắc lại một lần nữa là đừng tử tế quá. Cần phân biệt giữa sự lịch sự và rõ ràng. Cơ bản là có những thứ không thể thì vẫn là không thể. Luôn nhượng bộ và đồng ý chỉ khiến bạn trở nên mệt mỏi và áp lực. Hãy cho mọi người biết rằng bạn cũng cần có không gian riêng và thời gian riêng. Nếu không thể giúp họ việc gì đó hoặc đơn giản là bạn không đồng ý với những gì họ nói thì bạn nên thể hiện thái độ rõ ràng và cứng rắn. Bạn cần yêu quý và tôn trọng bản thân mình trước đi, rồi bạn sẽ biết cách đối xử tốt với mọi người xung quanh và họ cũng sẽ đối đãi với bạn như cách bạn muốn.
(Ảnh: Pinterest)