Chẳng còn bao lâu nữa là Tết. Ngoài phố đã chộn rộn những gia đình bắt đầu đi sắm Tết, các cửa hàng cửa tiệm cũng được trang hoàng đẹp đẽ chào đón dịp lễ lớn nhất trong năm. Danh sách sắm Tết thì nhiều và dài lắm, nào là bánh chưng, giò chả, nào là măng, miến, nấm hương..., cho những bữa ăn đầu năm thật đủ đầy. Nhưng sắm Tết dẫu nhiều đến mấy mà thiếu các loại bánh mứt ngon lành thì cũng... hỏng bét.

Giữa thị trường bánh kẹo mênh mông với hàng trăm ngàn loại bánh mứt nhìn thôi cũng hoa mắt, không chỉ thế khi chế biến còn tẩm những hóa chất gây hại khác nữa. Vậy tại sao mình không tự làm bánh mứt tại nhà để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người thân? Với tuyệt chiêu làm bánh mứt sau đây bạn sẽ mang đến gia đình mình một khay bánh đa dạng, bắt mắt và ngon miệng nữa. Đảm bảo ai dùng xong thì cũng chỉ tấm tắc khen ngon thôi. Cùng thực hiện thôi nào.
Mứt gừng
Đây là món mứt rất quen thuộc, có vị ngon, lại tốt cho sức khỏe nên được nhiều người yêu thích. Sau đây là cách làm mứt gừng ngon đơn giản ngay tại nhà dành cho bạn tham khảo ngay.
Nguyên liệu:
- Củ gừng (loại bánh tẻ không non và cũng không già): 1kg.
- Đường trắng: 700g.
- Phèn chua: 1 cục nhỏ.
- Vani: 1 ống (nếu thích).
Cách làm:
Bước 1: Trước tiên, bạn sơ chế gừng bằng cách cạo sạch vỏ, rửa sạch rồi đem thái gừng thành lát hơi dày một chút. Bạn chú ý là không nên thái gừng quá mỏng, sẽ khiến mứt bị cong quắn lại khi sên.

Bước 2: Sau khi đã thái gừng xong, bạn đem ngâm gừng vào nước khoảng 5 – 10 phút cho gừng ra hết nhựa. Tiếp đến, bạn đun sôi một nồi nước gồm phèn chua và chút muối rồi cho gừng vào luộc khoảng 1 – 2 phút.

Bước 3: Khi luộc đủ thời gian, bạn vớt gừng ra, xả lại với nước lạnh rồi lại tiếp tục luộc với nước sạch thêm khoảng 2 -3 lần cho gừng bớt cay. Khi gừng đã đạt được độ cay như bạn mong muốn thì bạn vớt gừng ra, cho vào tô nước lạnh để ngâm. Bạn chú ý là phải để gừng nguội hoàn toàn thì mới vớt ra rổ để cho ráo nước.

Bước 4: Khi gừng đã ráo hết nước, bạn cho gừng vào tô, cho thêm đường trắng vào cùng rồi dùng tay hoặc dùng đũa trộn đều tất cả sao cho đường trắng phủ kín các miếng gừng. Bạn dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại rồi để như vậy trong ngăn mát tủ lạnh để ướp khoảng 6 – 7 tiếng hoặc ướp qua đêm cho đường thấm vào gừng. Thỉnh thoảng, bạn cần phải đảo lại cho đường và gừng được thấm đều với nhau. Sau khoảng 6 – 7 tiếng ướp, miếng gừng sẽ trở nên trong hơn, đường trắng tan hết là đạt yêu cầu.
Bước 5: Tiếp đến là bước sên mứt gừng. Bạn đun nóng chảo rồi mới cho phần gừng ngâm đường vào để sên. Bạn chú ý chỉ để lửa nhỏ khi sên mứt, đồng thời đảo thật đều tay để mứt được sên đều.

Sên mứt gừng trên bếp lửa liu riu đến khi đường trắng kết tinh và khô lại là đạt. Để mứt gừng thơm hơn, khi sên mứt, bạn có thể cho hương vani vào sên cùng nếu thích. Bạn cứ sên như vậy cho đến khi đường trắng kết tinh lại, bám đều trên miếng mứt gừng thì tắt bếp, để nguội hoàn toàn.

Mứt khoai
Ở nước ta, khoai lang là món ăn dân giã, được nhiều người yêu thích. Ngoài luộc và nướng bạn có thể chế biến khoai lang thành mứt. Mứt khoai lang rất giàu dinh dưỡng, rất tốt cho tiêu hóa, vừa dễ ăn, lạ miệng, hợp khẩu vị nhiều người.
Nguyên liệu:
- 1kg khoai lang.
- 500g đường trắng.
- 30g vôi trắng.
- 1 ống hương vani (nếu thích).

Cách làm:
Bước 1: Pha nước vôi trong. Đầu tiên trong hướng dẫn cách làm mứt khoai lang là pha nước vôi trong. Pha 1 lít nước với 30g vôi trắng, để qua đêm cho bột vôi lắng, rồi chắt lấy phần nước vôi trong.

Khoai lang: Khoai lang gọt vỏ, rửa sạch, đem thái thành từng miếng vuông hoặc miếng tròn, hình hoa đều được, tùy sở thích và sáng tạo của bạn. Nhưng phải có độ dày vừa phải, để trong quá trình sên, khoai không bị nát.
Bước 2: Ngâm khoai với nước vôi trong: Ngâm khoai với nước vôi trong là công đoạn đơn giản nhất trong cách làm mứt khoai lang, bạn chỉ cần ngâm khoai với nước vôi trong đã pha sẵn từ tối hôm qua. Ngâm khoảng 3-5 tiếng, rồi vớt ra, rửa nhiều lần, đến khi hết mùi hắc. Ngâm khoai lang với nước vôi trong để miếng mứt có độ cứng cần thiết. Ngâm với nước vôi không hề có độc, vì các cụ ta ngày xưa vẫn dùng vôi để ăn trầu cho môi đỏ đượm.

Bước 3: Ướp đường - Bạn bắc một nồi nước lên bếp đun sôi, chần nhanh khoai lang, rồi vớt ra, xả với nước lạnh để khoai giữ được độ giòn, rồi vớt ra để ráo. Ướp khoai với lượng đường đã chuẩn bị và phải chuẩn theo tỉ lệ cứ 1kg khoai lang ướp với 500g đường. Ướp trong khoảng 3-5 tiếng, đến khi đường tan hết, trong quá trình ướp thỉnh thoảng bạn dùng đũa đảo, để khoai ngấm đều đường.

Bước 4: Cho toàn bộ khoai lang đã ướp vào chảo chống dính hoặc nồi đế dày. Lượng nước khá nhiều nên bạn đun trên ngọn lửa vừa cho nước nhanh cạn, thỉnh thoảng đảo nhẹ tay để khoai lang không bị vỡ. Khi nước đường bắt đầu keo lại, hơi óng ánh bạn vặn lửa ở mức thấp nhất và đảo liên tục. Đếm khi đường kết tinh, bạn vẫn đảo tay liên tục để cho các miếng khoai tách riêng biệt không dính. Cuối cùng trong hướng dẫn cách làm mứt khoai lang dẻo bạn cho hương vani vào, đun thêm một phút nữa thì tắt bếp.


Yêu cầu thành phẩm: Miếng mứt khoai lang có màu vàng tươi, rất đẹp, hấp dẫn, đường bám đều lên từng miếng mứt, ăn có vị ngọt vừa đủ, bên ngoài có độ giòn nhưng bên trong vô cùng dẻo dai, phản phất mùi thơm vô cùng dễ chịu của hương vani, ai ăn cũng thích mê.
Mứt táo
Mứt táo ta có vị ngọt dịu, hơi dốt dốt chua chua, không ngọt khé như táo tàu. Mứt táo ta dẻo, thơm vị quê hương, rất thích hợp để nhâm nhi vào ngày Tết cổ truyền, và quây quần bên gia đình.
Nguyên liệu:
- Táo ta: 1 kg.
- Đường: 600g.
- Phèn chua: 1 -2 thìa.
- Nước vôi trong.

Cách làm:
Bước 1: Táo rửa sạch, dùng tăm nhọn hoặc xiên, xiên 1 vài lỗ trên quả táo. Tiếp đến, chuẩn bị một chậu nước to có hòa nước vôi trong. Thả táo vào ngâm trong nước vôi trong tầm 15 tiếng để khử vị chát trong táo, giúp cho táo giòn hơn. Sau khi ngâm xong, vớt táo ra rửa sạch lại nhiều lần.

Bước 2: Cho 1 thìa phèn chua vào nồi nước, đun sôi, sau đó thả táo vào trần qua. Vớt táo ra, rửa ngay dưới vòi nước lạnh nhiều lần. Cho táo vào rổ, để nơi thoáng mát để táo ráo nước, khô mình.
Bước 3: Ướp 1kg táo với 600g đường. Xóc táo để đường nhanh tan và ngấm vào táo được đều hơn.

Bước 4: Chuẩn bị 1 cái chảo to, sâu lòng, đun nóng chảo, cho táo vào sao cho khô. Lưu ý để nhỏ lửa, đảo đều tay để đường tan, không bị cháy cũng như vón cục. Đảo đều tay đến khi táo khô, đường tan hết, ăn thử thì thấy mứt táo hơi dai dai. Sao đến khi mứt táo ta có màu đỏ sậm, mùi thơm ngọt ngào của đường thơm nức mũi thì tắt bếp.

Mứt quất (tắc)
Mứt tắc dẻo ngon vị chua chua, ngọt ngọt và hương thơm đặc trưng. Không chỉ nhâm nhi thích miệng mà mứt tắc còn có công dụng giúp giảm ho, thông mũi, phòng cảm lạnh rất hiệu quả nữa nhé!
Nguyên liệu:
- Tắc 1 kg.
- Đường trắng 900 gr.
- Nước vôi trong 500 ml.
- Muối 1/2 muỗng cà phê.
Cách làm:
Bước 1: Trái tắc mua về cắt sát cuống rồi đem rửa sạch, cho vào thau cùng với một chút muối sau đó đổ nước ngập quất, ngâm 30 phút thì vớt ra.

Bước 2: Dùng dao khứa 4 đường nhỏ theo chiều dọc trái tắc, tiếp theo ấn cho trái tắc hơi dẹt lại, lấy hết hạt tắc bỏ đi. Cho tắc vào tô sau đó bạn chắt lấy nước vôi trong đổ vào ngập tắc, ngâm qua đêm hoặc 6-8 tiếng. Vớt tắc ra rửa sạch vài lần cho hết mùi vôi rồi để ráo nước.

Bước 3: Cho tắc vào tô sạch sau đó thêm 900g đường, trộn đều và ướp tắc tới khi đường tan hết là có thể sên mứt. Đường sau khi đã tan hết và tắc đã ngấm đường, bạn đổ nguyên liệu vào chảo, bật bếp đun cho nước đường sôi lên khoảng vài phút thì để lửa nhỏ liu riu. Thi thoảng, bạn đảo đều cho tắc ngấm đều đường, nước đường sánh lại và miếng mứt đã trong thì tắt bếp. Gắp từng miếng mứt quất xếp lên giấy nến hoặc giá sắt rồi đem phơi nắng cho mứt dẻo khô là được, hoặc bạn cũng có thể đem hong mứt trong lò nướng ở nhiệt độ 100 độ C cho mứt vừa khô dẻo là có thể lấy ra.

Bước 4: Để mứt quất nguội hẳn mới đem cất trong hũ sạch, đậy nắp kín bảo quản nơi thoáng mát. Mứt tắc dẻo ngon vị chua chua, ngọt ngọt và hương thơm đặc trưng. Không chỉ nhâm nhi thích miệng mà mứt tắc còn có công dụng giúp giảm ho, thông mũi, phòng cảm lạnh rất hiệu quả nữa nhé!
Mứt bí
Bí đao không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, các bà nội trợ khéo tay còn chế biến thành món mứt thơm ngon ngày tết. Làm mứt bí đao cầu kỳ hơn khi phải ngâm trong nước vôi trong nhiều giờ. Đây là cách "tẩy trắng" bí tự nhiên mà không cần hóa chất. Không chỉ xuất hiện trên bữa tiệc trà, mứt bí còn là nguyên liệu làm nhân bánh trung thu hay bánh pía.
Nguyên liệu:
- Bí đao: 1kg (Nên chọn những quả già).
- Đường: 0,5kg.
- Phèn chua + nước vôi trong + vani.
Cách làm:
Bước 1: Bí đao nạo sạch vỏ gọt bớt phần cùi xanh bên ngoài lấy phần cùi trắng, rửa sạch thái miếng.

Bước 2: Ngâm bí vừa thái với nước vôi để qua đêm khoảng 5-7 tiếng. Vớt ra rửa sạch cho tới khi hết mùi vôi.
Bước 3: Đun sôi phèn chua với nuớc rồi thả bí vào chần khoảng 1-2 phút rồi rửa sạch và để ráo nước.
Bước 4: Ướp bí với đường (theo tỷ lệ 1kg bí = 0,5kg đường) khoảng 4-5 tiếng cho tới khi đường tan hết.

Bước 5: Cho bí vào chảo đun nhỏ lửa và đảo đều tay. Khi thấy bí bắt đầu cạn nước đun nhỏ lửa và đảo đều cho tới khi thấy đường kết tinh bám trắng đều vào bí thì tắt bếp. Nhấc chảo bí xuống rồi nhỏ vào bí vài giọt vani. Tiếp tục đảo thêm 3-5 phút cho tới khi bí khô hẳn là được.

Bánh mứt từ bao đời nay đã trở thành món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến xuân về, vừa nhâm nhi để mở đầu câu chuyện ngày đầu năm, vừa thể hiện sự chu đáo, hiếu khách của gia chủ. Mứt hoa quả ngoại nhập xuất hiện trên thị trường ngày một đa dạng với nhiều chủng loại mẫu mã. Mặc dù vậy, mứt truyền thống vẫn có chỗ đứng riêng, không bao giờ lỗi thời, làm nên nét đặc trưng riêng của hương vị tết cổ truyền ngày Tết.
Ảnh: Phunu/Daubep/Nauan