11/07/2018 19:00

Giải mã tâm lý (Kỳ 11): Hội chứng rối loạn đa nhân cách và những bí ẩn xung quanh nó

Lê Lê - Theo thethaovanhoa.vn Lê Lê

Bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thường bị nhầm lẫn mắc các hội chứng tâm lý khác, thậm chí là bị nghi ngờ ma quỷ nhập. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra bởi những hiểu lầm tai hại.

Rối loạn đa nhân cách là một trong những hội chứng tâm lý gây tranh cãi nhất với các nhà khoa học bởi nó còn chứa rất nhiều bí ẩn. Để dễ mường tượng về căn bệnh này nhất, bạn có thể nhớ lại hình ảnh Trương Ba trong tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lưu Quang Vũ “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhân vật này đã phần nào tái hiện lại những rắc rối của người đa nhân cách.

1/ Chứng rối loạn đa nhân cách

Được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1865, cho tới thập niên 1980, đa nhân cách mới chính thức được nhìn nhận như một căn bệnh nguy hiểm, với hơn 20.000 trường hợp được phát hiện trên thế giới. Với các bệnh nhân bị mắc hội chứng đa nhân cách, có ít nhất hai tính cách tồn tại trong một con người họ. Chứng rối loạn đa nhân cách được biết đến với tên gọi Multiple Personality Disorder nhưng gần đây đã được đổi thành Dissociative Identity Disorder – DID để nhấn mạnh sự “phân rẽ” (dissociative) trong nhân cách của những người mắc rối loạn này.

Giải mã tâm lý (Kỳ 11): Hội chứng rối loạn đa nhân cách
Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, rối loạn đa nhân cách là sự tồn tại hai hoặc nhiều hơn những bản thể (identities) hoặc tính cách (personality), trong đó mỗi bản thể hoặc tính cách có lối nhận thức, liên hệ, và suy nghĩ về môi trường hoặc bản thân riêng rẽ liên tục kiểm soát hành vi.

Dù DID khó nhận ra vì triệu chứng trùng lặp với nhiều chứng rối loạn tâm lý khác nhưng theo Janet vẫn có những biểu hiện riêng biệt: 
- Có 2 hoặc nhiều hơn trạng thái của các nhân cách thay nhau chi phối con người.
- Các nhân cách phải hoàn toàn riêng biệt, tương đối ổn định về nhận thức, quan hệ gia đình, xã hội, khả năng miêu tả thế giới xung quanh.
- Khi bị một nhân cách này chi phối, người bệnh có khả năng quên các thông tin quan trọng liên quan đến các nhân cách tiềm ẩn khác, đến mức không thể xem đó là chứng quên thông thường.
- Các rối loạn đó không phải do ảnh hưởng của thuốc hay hóa chất.

Nếu bạn ở nhà là một người hiền lành, ít nói, nhưng khi đi chơi cùng bạn bè lại trở nên hoạt bát, sôi nổi thì đây không phải dấu hiệu của DID vì bạn vẫn đang kiểm soát hành vi của bản thân, đưa ra quyết định về cách ứng xử trong các trường hợp khác nhau nhưng vẫn ý thức mình là ai. 

Trong khi đó, trường hợp của Mary lại khác, một một cô gái da trắng nữ tính, dịu dàng bỗng chốc biến thành John, một chàng trai da đen mạnh mẽ và cực lực phản đối nếu có ai vô tình gọi cô là “phụ nữ”. Nhân cách chủ của Mary chính là cô gái da trắng dịu dàng còn nhân cách thay thế là chàng trai da đen nam tính. Mary chỉ có thể nhận ra sự tồn tại của nhân cách John khi nghe từ người thân hay trải qua các phương pháp điều trị. Thậm chí có không ít trường hợp ghi nhận một người có đến hơn 20 nhân cách khác nhau.

Giải mã tâm lý (Kỳ 11): Hội chứng rối loạn đa nhân cách
Theo các chuyên gia tâm lý học, có tới 4% người trên Trái đất là những người "thái nhân cách" (Psychopath) - 1 trong nhiều dạng khác nhau của rối loạn đa nhân cách.

Sự chuyển đổi nhân cách có thể xảy ra trong vài giây, vài tiếng hoặc vài ngày, có lúc qua một giấc ngủ, xuyên giới tính, độ tuổi và quốc tịch. Ở mỗi nhân cách, bệnh nhân có một loạt những ngôn ngữ, giọng điệu, cách ăn mặc và cử chỉ hoàn toàn khác nhau. Họ có thể có nét chữ khác nhau và thậm chí đổi cả tay thuận. Bí ẩn hơn, có những người khi đổi nhân cách có thể thay đổi những đặc điểm sinh lý như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, sức chịu đau, thị giác và thậm chí xuất hiện những căn bệnh chưa hề mắc phải trước đó như dị ứng hay hen phế quản.

2/ Nguyên nhân

Trong một cuộc nghiên cứu, người mắc rối loạn tâm lý đa phần cho biết đã bị lạm dụng thể xác và tình dục khi còn bé. Vì thế, nhiều nhà tâm thần học giả thuyết DID là một loại Rối loạn căng thẳng thần kinh sau tổn thương (Post-traumatic Stress Disorder – PTSD). 

Theo đó, những ý thức, kí ức, và cảm xúc xuất phát từ một hành động hoặc một sự kiện gây hại tới đứa trẻ bị dồn nén vào vùng ngoài nhận thức, tách rời khỏi hiện thực, như một cách tránh né tổn thương tinh thần. Khi lớn lên, những kí ức và cảm xúc này dần dần trở thành một thể nhân cách riêng biệt.Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tranh cãi liên quan đến nguyên nhân hình thành hội chứng tâm thần đáng sợ này.

Giải mã tâm lý (Kỳ 11): Hội chứng rối loạn đa nhân cách
Những tổn thương thời thơ ấu được cho là nguyên nhân dẫn đến rối loạn đa nhân cách.

3/ Nỗi ám ảnh mang tên “đa nhân cách”

Cuộc sống của những người bị rối loạn DID luôn luôn xáo trộn, khi mà trong bất kỳ khoảnh khắc nào, họ đều có thể lạc lại vào một thế giới lạ lẫm, một tình huống khó hiểu, không nhớ chuyện gì đã xảy ra, cảm thấy bản thân luôn luôn bị biến đổi. Vì thế, người với DID có xu hướng tự sát cao hơn những bệnh nhân mắc các chứng tâm lý khác. Trong câu chuyện của Trương Ba, nhân cách chính Trương Ba vốn thanh cao, tao nhã nhưng khi phát hiện ra câu chuyện trớ trêu của mình thì thà chết đi chứ không thể sống cùng với nhân cách anh hàng thịt thô lỗ, cộc cằn.

4/ Điều trị

Vì tính mơ hồ trong chẩn đoán nên cách chữa trị rối loạn đa nhân cách vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Một trong số những phương pháp điều trị là tái tạo kí ức, bao gồm thuật thôi miên, gợi ý, kích thích tưởng tượng. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ chính phương pháp này góp phần tạo nên “trí nhớ giả”.

Các bác sĩ thường phát triển mối quan hệ tin tưởng với nhân cách chủ và nhân cách thay thế của bệnh nhân thông qua thuật thôi miên để tìm ra nguồn gốc tổn thương tinh thần (nếu có) và hướng dẫn cho người bệnh giải phóng thay vì đè nén. Điều này cũng giúp các nhân cách đi đến một điểm thống nhất.

Giải mã tâm lý (Kỳ 11): Hội chứng rối loạn đa nhân cách
Thuật thôi miên được các bác sĩ áp dụng để tìm hiểu các bản thể khác trong cùng một người.

Cũng chính vì những biểu hiện phức tạp và mơ hồ mà bệnh nhân rối loạn đa nhân cách thường bị nhầm lẫn với các hội chứng tâm lý khác, thậm chí là bị nghi ngờ ma quỷ nhập. Vì vậy, có rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra bởi những hiểu lầm tai hại này. Rối loạn đa nhân cách vẫn còn là đề tài tranh cãi của các nhà khoa học, cần được nhận thức rõ hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc trên.

(Ảnh: Internet)

Bài viết liên quan

Video có thể bạn quan tâm
Giải mã tâm lý 5: Hiện tượng ảo giác Fregoli
Scroll to top