1. Đại học Tài chính - Marketing, phải mặc áo thun có cổ, trang phục lịch sự, không nhuộm tóc màu nổi

Đại học Tài chính - Marketing vừa đưa ra thông báo yêu cầu sinh viên khi đến trường phải mặc áo sơ mi, áo thun có cổ hoặc trang phục truyền thống của trường, phối với quần tây hoặc quần jeans lịch sự, váy dài đến gối, đi giày hoặc dép có quai hậu.
Ngoài ra, nội quy mới cũng cấm sinh viên nhuộm tóc màu nổi, cạo trọc (trừ sinh viên là tu sĩ hoặc có bệnh về tóc). Sinh viên vi phạm nội quy, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị trừ điểm rèn luyện.
Những quy định về việc phải đi giày hoặc dép có quai hậu, phải ăn vận lịch sự, váy dài đến gối được cho là điều bình thường ở môi trường học đường… Tuy nhiên, nội quy phải mặc áo thun có cổ lại khiến nhiều người tranh cãi khá dữ dội. Theo nhiều sinh viên, áo thun hiện nay phần lớn là không cổ vì nó thời trang, năng động và thoải mái. Bên cạnh đó, mặc áo thun không cổ đi học cũng không hẳn là hở hang hay mất lịch sự. Chính vì thế sau khi ban hành, quy định mới này đang khiến nhiều sinh viên phản ứng.
Trước vấn đề này, trả lời trên báo VnExpress, TS Lê Trung Đạo (Phó hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing) khẳng định, trường ban hành nội quy theo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường không cấm sinh viên mặc áo không cổ nhưng khuyến khích nên mặc áo thun có cổ, trang phục thể dục, truyền thống của trường hoặc áo sơ mi để lịch sự khi vào trường. Vì đã từng có nhiều sinh viên ăn mặc phản cảm, hở hang đến trường Đại học Tài chính - Marketing, việc đưa ra quy định này là cần thiết.
2. Đại học Bách khoa TP.HCM, lịch học bắt đầu từ 6h và kết thúc lúc 22h10

Trong thông báo mới về khung giờ giảng dạy của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sinh viên sẽ bắt đầu vào học từ 6h sáng, kết thúc lúc 22h10. Cụ thể, trong phân bổ 17 tiết học/ngày, tiết học đầu tiên bắt đầu lúc 6h sáng. Ngoài ra, có 1 tiết cũng bắt đầu từ 12h trưa và 1 tiết bắt đầu từ 21h20 phút. Thời gian mỗi tiết học kéo dài 50 phút, nghỉ giải lao giữa tiết 10 phút. Riêng thời gian học buổi tối từ 18h đến 22h10 phút không có giải lao. Ngay lập tức khung giờ học này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cho hay, việc xếp lịch học từ 6h sáng nhằm đề phòng trường hợp cần thiết, mang tính sẵn sàng của nhà trường. Như vậy khi có trường hợp đặc biệt thì có cơ sở pháp lý này để nhà trường làm việc chứ không phải áp dụng thực tế. Theo ông Thắng, hiện nay giờ học của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM bắt đầu là 6h30 nhưng sắp tới sẽ bắt đầu từ 7h sáng nên sinh viên hãy yên tâm.
“Về mặt kỹ thuật chúng tôi cho rằng các khung giờ cách nhau 1 tiếng đồng hồ sẽ rất dễ nhớ, sinh viên cũng không nhầm giờ. Khi nhà trường xếp lùi thời gian như vậy để sinh viên có thể học tốt đa 1 buổi 5 tiết. Hiện nay có sinh viên đăng ký học 6 tiết /buổi rồi một buổi về ngủ như vậy không hiệu quả”- ông Thắng giải thích.
3. Điều chỉnh cách tính điểm của tường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM vừa có quyết định mới về việc tính điểm học phần đối với sinh viên đại học chính quy. Quy định mới này được tính từ học kỳ 2, năm học 2018 - 2019.
Cách tính điểm như sau: Nếu điểm thi cuối kỳ của học phần đạt dưới 3, nhỏ hơn điểm tổng kết tính từ các điểm đánh giá bộ phận (kể cả điểm thi cuối kỳ), thì lấy điểm thi cuối kỳ làm điểm học phần. Đây được cho là 1 biện pháp của nhà trường nhằm hạn chế tình trạng 1 sinh viên có điểm học phần cao sẽ bỏ bê kỳ thi cuối kỳ, không tập trung học hành nữa.
Quy định này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Nhiều học sinh hoang mang cho rằng, nếu quy chiếu theo cách tính ấy, thì dù điểm giữa kỳ của 1 sinh viên là 9.5 nhưng điểm thi cuối kỳ chỉ có 2.5, theo quy định mới của trường, điểm học phần của của sinh viên vẫn chỉ là 2.5 điểm. Còn theo cách tính cũ, điểm trung bình môn học của sinh viên này sẽ là 6.0 (gồm điểm giữa kỳ cộng điểm thi cuối kỳ chia đôi).
Theo đó đại diện trường này lý giải, mục đích của việc điều chỉnh này nhằm nâng cao hơn chất lượng đào tạo của trường. Sinh viên có điểm thi cuối kỳ từ 3.0 trở lên, cách tính điểm học phần vẫn áp dụng theo cách cũ (gồm điểm quá trình cộng điểm thi cuối kỳ chia đôi). Vì vậy, quyết định này chỉ tác động tới những sinh viên có điểm thi cuối kỳ dưới 3.
4. Trường Cao đẳng nghề Việt Mỹ (TP. HCM): cấm giảng viên ăn tối, hẹn hò với sinh viên
Năm 2014, có thông tin cho rằng trường CĐ Nghề Việt Mỹ (TP. HCM) đưa ra quy định "cấm giáo viên yêu sinh viên". Theo đó, giáo viên trong trường hạn chế không ăn trưa, ăn tối, hẹn hò với một sinh viên. Khi cán bộ tiếp sinh viên tại phòng làm việc không được đóng cửa.
Chưa hết, thầy cô nào có tình cảm với sinh viên, dù tình yêu đẹp hay chuyện đổi tình lấy điểm đều buộc phải nghỉ việc. Thông tin này gần như lập tức tạo ra nhiều tranh luận gay gắt trên các diễn đàn mạng với các ý kiến trái chiều.
5. Trường Đại học Cửu Long: cấm dép lê, quần bò tới giảng đường

Đầu tháng 10/2014, sinh viên của trường ĐH Cửu Long “nháo nhác” vì nhà trường sắp ban hành quy định cấm sinh viên đi dép lê, mặc quần jeans tới giảng đường. Theo thông tin đăng tải trên Zing.vn, nội dung này được nêu rõ tại quy định về thực hiện văn hóa công sở và trang phục đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên tại ĐH Cửu Long, được Phó Hiệu trưởng Nguyễn Cao Đạt ký ngày 4/10/2014.
Quy chế văn hóa công sở của trường này ghi rõ, tất cả có 6 chương, 23 điều, có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và được phổ biến tới toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên, sinh viên trong toàn Trường ĐH Cửu Long. Theo đó, nhà trường đưa ra một danh mục “cấm” đối với cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, trong đó có cấm mặc quần jeans, áo thun và đi dép lê…
6. ĐH Y Hà Nội: cấm sinh viên ngồi trong tối

Quy chế văn hóa của Đại học Y Hà Nội năm 2014, ngoài quy định về trang phục còn có quy định cụ thể về ứng xử, giao tiếp của giảng viên và sinh viên. Trong đó, mục 2, điều 6 quy định rõ: Quan hệ nam nữ trong sáng, phù hợp với truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, không ngồi trong các khu vực bóng tối, vắng vẻ hoặc có những hành vi không lành mạnh trong khuôn viên trường.
Quy định này gây tranh cãi trong giới sinh viên. Nhiều bạn cho rằng, đó là quy định hợp lý bởi hiện nay, tình trạng nam nữ có những hành động phản cảm trong môi trường văn hóa diễn ra quá nhiều, cần có biện pháp ngăn chặn. Nhưng cũng không ít bạn thấy không hài lòng với quy định từ “trên trời rơi xuống” này.
7. Khoa du lịch, viện Đại học Mở Hà Nội, kiểm soát gắt gao thời gian lên lớp
Sinh viên bị kiểm soát chặt chẽ thời gian lên lớp và cả việc có mặt ở những hoạt động tập thể bằng phương pháp điểm danh. Giáo vụ sẽ sắp xếp chỗ ngồi rồi ghi lại sơ đồ, nếu ai vắng mặt hoặc đi muộn thì cứ tính dựa theo chỗ ngồi trống để xử phạt.
Một môn học mà mình vắng quá 30% số buổi thì bị cấm thi nhưng ở đây lỗi gì cũng bị tính là nghỉ không lý do. Nói chuyện hay ăn uống trong giờ bị tính 1 buổi, bị giáo viên nêu tên tính 2 buổi, quên sách giáo khoa hay không mặc đồng phục tính 1 buổi, không tham gia các sự kiện mà khoa chỉ định phải đi tính 2 buổi, thậm chí nếu bị phát hiên xả rác hay đi về quên tắt điện cũng không thể thoát...
Cứ đến giờ học là giáo vụ sẽ khóa cổng lại để sinh viên trót đến muộn dù chỉ 15 phút cũng không thể vào và bắt đầu điểm danh. Nhiều bạn vì những lỗi nhỏ nhặt nhưng cứ cộng dồn vào rồi đến khi kết thúc môn không được thi vì lý do "nghỉ quá số buổi quy định" mặc dù vẫn có mặt (gần như) đầy đủ.
Có trường hợp đi thi mà không mặc đồng phục (áo trắng với nam và áo dài thiên thanh với nữ) cũng không được cho vào phòng làm bài. Hầu hết giảng viên được mời về dạy cũng ngạc nhiên với nội quy khắt khe hơn trường cấp III ở đây.
Video xem thêm: Những mỹ nhân "con nhà người ta" chính hiệu của Thái Lan: Thủ khoa, Á khoa toàn đại học danh tiếng
Cứ tưởng học xong cấp 3, lên đại học, xa gia đình thì chúng ta có thể thoải mái làm những gì mình thích "tự tung tự tác" nhưng không, nếu là sinh viên của những trường đại học, cao đẳng này thì các bạn sinh viên cũng phải "chịu đựng" những quy định khắc khe và có phần khó hiểu này nữa đấy. Hy vọng các bạn sẽ có một quãng thời gian sinh viên vui vẻ và nhiều kỉ niệm.
Nguồn ảnh Internet