Trong phim "Diên Hi Công Lược", nơi đây là chốn hẻo lánh, suốt 10 năm chưa từng được vua Càn Long ghé qua. Mọi chuyện bắt đầu đổi khác kể từ khi Ngụy Anh Lạc được sủng ái, dọn đến cung Diên Hi sinh sống, biến chốn đìu hiu này thành nơi uy quyền. Thế cho nên, tựa phim "Diên Hi Công Lược" cũng có thể hiểu nôm na là hành trình tiến đến cung Diên Hi. Nhưng rất ít người biết rằng, trải qua các đời vua Khang Hi, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, cung Diên Hi là nơi liên tục xảy ra nhiều chuyện không hay, là chốn đáng sợ nhất Tử Cấm Thành và xui xẻo hơn cả Lãnh cung.

Theo sử sách ghi lại, cung Diên Hi là nơi ít được chú ý nhất ở Tử Cấm Thành, thậm chí còn được xem là vùng đất tai họa với phong thủy kém. Đặc biệt, những ai dọn vào sống tại chốn này đều không thọ, sức khỏe ngày càng suy yếu.
Cung Diên Hi tọa lạc tại phía Đông Nam của Đông Lục cung. Theo Want Daily, vì lối ra vào có nhiều người qua kẻ lại, địa thế phức tạp nên nơi này không mang đến sự cát tường, là nơi mà các phi tần thà vào Lãnh cung còn hơn là phải đến đây, chỉ có Đáp Ứng và Thường Tại - những người bị đối xử lạnh nhạt nhưng có sắc phong cao hơn cung nữ một phần - mới ngậm ngùi sống ở chốn này.

Ngoài là nơi không được đắc sủng, cung Diên Hi còn nổi tiếng là vùng đất thường xảy ra hỏa hoạn. Trải qua các đời Khang Hi, Gia Khánh, Đạo Quang, Hàm Phong, cung Diên Hi chưa kịp tu sửa xong lại tiếp tục bị cháy. Cho đến những năm Tuyên Thống (niên hiệu trị vì của Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của triều Thanh), Long Dụ Thái hậu mới ra lệnh xây “Linh Trảo Hiên” - một công trình tạm hiểu như thủy cung ngày nay - để có thể vừa thưởng thức vừa trấn áp hỏa hoạn. Tuy vậy, mãi đến khi hoàng đế thoái vị (năm 1912), Linh Trảo Hiên vẫn chưa thể hoàn thiện và trở thành công trình "nửa vời" nhất ở Tử Cấm Thành.

Thời báo Hoàn Cầu còn cho biết thêm, năm 1917, thời điểm quân phiệt Trương Huân tiến vào Bắc Kinh để đưa Phổ Nghi trở lại làm vua nhằm khôi phục đế chế, phía bắc cung Diên Hi đã bị phá hủy bởi một chiếc máy bay ném bom. Đến măm 1931, Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh sửa lại nơi này thành nhà kho văn hóa vật thể.
Ngoài ra, nhắc đến triều đại nhà Thanh, nhiều người thường quen tai với điện Dưỡng Tâm, điện Thái Hòa, cung Trường Xuân, cung Thừa Càn nhưng mà hiếm khi nghe thấy cung Diên Hi. Trong du lịch, cung Diên Hi cũng là nơi hẻo lánh nhất trong các điểm tham quan tại Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh.


Từ sau khi phim "Diên Hi Công Lược" của Vu Chính ra mắt khán giả và được đón nhận nồng nhiệt thì cung Diên Hi được để mắt đến nhiều hơn, trở thành địa điểm rất hút khách du lịch. Thậm chí, để thực hiện tốt công tác du lịch, Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh còn trang bị trước cửa ứng dụng quét mã QR để khách lựa chọn tham quan bằng hình thức thực tế ảo.
Mời các bạn xem thêm một số hình ảnh cung Diên Hi ngoài đời ngày nay:




Cung Diên Hi hiện trở thành địa điểm rất hút khách du lịch.


Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh còn trang bị trước cửa ứng dụng quét mã QR để khách lựa chọn tham quan bằng hình thức thực tế ảo.


Ngoài phim "Diên Hi Công Lược", cung Diên Hi cũng còn được đề cập trong "Như Ý Truyện" và là nơi ở của Kế Hoàng hậu Như Ý. Tuy vậy, có rất ít tài liệu nói về cuộc đời thê thiếp của vua nên cũng khó xác định chính xác rằng liệu Lệnh Phi trong lịch sử có từng sống ở cung Diên Hi hay không.
Ảnh: Internet