Từ năm 2014, Courtney Whithorn (20 tuổi) cô đã hình thành thói quen cắn móng tay sau khi bị bắt nạt ở trường và thậm chí cô đã từng cắn sạch móng ở ngón tay cái. Mặc dù rất hoảng sợ bởi ngón cái ngày càng chuyển thành màu đen, nhưng cô gái đã cảm thấy xấu hổ và giấu nhẹm việc này với gia đình và bạn bè trong suốt 4 năm.
Sau cùng, khi đến gặp bác sĩ cuối tháng 7, cô gái đã được chẩn đoán chấn thương từ ngón tay đã chuyển thành một căn bệnh ung thư hiếm gặp, được biết đến với cái tên ung thư tế bào hắc tố. Mặc dù phải trải qua nhiều ca phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư nhằm giữ lại ngón cái nhưng Whithorn đã buộc phải cắt bỏ ngón cái vào tuần trước. Bác sỹ của Whithorn đã chẩn đoán rằng ung thư gây ra bởi thói quen cắn móng tay. Tuy nhiên, Tiến sỹ Nis Sheth, chuyên gia nghiên cứu Da liễu đồng thời cũng là phát ngôn viên của Skin Foundation cho rằng: “Trong khi những chấn thương thể chất có liên quan đến sự xuất hiện của một số loại ung thư da nhưng vẫn khó có thể khẳng định rằng, việc cắn móng tay cũng có thể dẫn đến loại ung thư này”.



Whithorn chia sẻ:
"Sau khi biết được việc cắn móng tay là nguyên nhân chính gây ra chứng bệnh ung thư này, tôi đã hoàn toàn suy sụp. Trong đầu tôi cứ nghĩ chính tôi đã khiến cho bản thân phải chịu đựng những đau đớn và mất mát này nhưng rõ ràng lúc đó tôi biết rằng tôi không nên có những phản ứng tâm lý đó. Thật không thể tin nổi!".
Mặc dù nhận thức được tình trạng bệnh của mình, nhưng cô ấy vẫn để nó diễn ra như vậy trong nhiều năm. Cô nói: "Tôi luôn luôn nắm tay lại bởi vì không muốn ai thấy nó, thậm chí là với bố mẹ. Tôi đã cảm thấy hơi sợ khi thấy da mình bắt đầu chuyển sang màu đen nên tôi đã đưa cho họ xem nó. Tôi đã luôn phải sử dụng móng tay giả để che giấu móng tay cái của mình bởi vì nó quá đen".


Whithorn sau đó đã phải trì hoãn việc học và đến cuối cùng cô cũng chịu đến gặp bác sĩ khi chỗ da bị thương bắt đầu chuyển màu và buộc phải làm một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ. Cô nói:
"Tôi đã gặp 2 bác sỹ thẩm mỹ và họ nói là sẽ loại bỏ lớp móng hỏng và đặt vào đó một mảnh da ghép. Chí ít nó cũng có màu giống với màu da thật, và tôi đã vô cùng vui mừng. Nhưng trước khi tôi làm cuộc phẫu thuật đầu tiên, bác sĩ đã thông báo rằng có điều bất thường với ngón tay của tôi và tôi được yêu cầu đi làm sinh thiết. Tôi phải đợi đến 6 tuần để có kết quả. Kết quả được gửi xuống Sydney vì họ không thể biết được liệu nó là ác tính hay lành tính. Họ đã làm nhiều xét nghiệm hơn và khi những kết quả được trả lại, tôi được biết đó là một khối u ác tính hiếm gặp, đặc biệt với kích thước đó và đối với một người ở độ tuổi như tôi. Tôi thực sự rất sốc và tôi không thể tin được rằng đây là sự thật. Mẹ tôi lúc đó chỉ có thể bật khóc".
Chỉ một tuần sau đó, các chuyên gia ở Sydney đã nói với bác sĩ phẫu thuật của Whithorn rằng cách điều trị căn bệnh của cô chỉ còn cách duy nhất là phẫu thuật cắt bỏ.


Cuộc phẫu thuật thành công tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn phải theo dõi tình trạng sức khỏe kỹ lưỡng trong suốt 5 năm. Whithorn cho biết:
"Tôi vẫn đang chờ kết quả từ cuộc phẫu thuật tuần trước và bác sĩ phẫu thuật sẽ theo dõi vết thương của tôi trong 5 năm tới, bên cạnh đó tôi cũng sẽ được xét nghiệm và thử máu thường xuyên. Tôi chỉ muốn mang sự tự tin và thẳng thắn như bây giờ trở lại khoảng thời gian còn đi học. Nếu có thể nói, tôi sẽ khuyên bạn hãy đứng lên và bảo vệ chính mình. Một số người hỏi ai là người anh hùng hoặc người có ảnh hưởng lớn nhất đối với tôi và tôi có thể tự tin trả lời đó là "tôi"".

Ung thư tế bào hắc tố là gì?
Ung thư tế bào hắc tố là một dạng ung thư da phát triển ở mặt trong của bàn tay, lòng bàn chân hoặc bên dưới móng tay. Giai đoạn đầu của căn bệnh, bạn sẽ thấy một phần của bề mặt móng tay bị đổi màu, nó có thể trông như một vết bẩn nhưng "vết bẩn" này sẽ bắt đầu lan rộng ra theo thời gian. Ung thư tế bào hắc tố là một dạng ung thư da hiếm gặp và chỉ chiếm ít hơn 1% trong các trường hợp u ác tính ở người da trắng.
Nguyên nhân gây ra loại ung thư này vẫn chưa được xác định và chúng hoàn toàn không liên quan đến sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời. Căn bệnh này được cho rằng là kết quả của sự đột biến gen và thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi. Khi ung thư phát triển, vết thương có thể lan rộng ra đến vài centimet và có những màu sắc bất thường như nâu, đỏ, xanh-xám và đen. Thoạt đầu vùng da bị ảnh hưởng có thể vẫn mịn như bình thường, nhưng càng ngày chúng sẽ càng trở nên dày và gồ ghề hơn bởi sự xuất hiện của các mụn cóc, chảy máy và các vết loét. Các bước điều trị ban đầu là cắt bỏ phần da bị bệnh. Nếu các tế bào ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết, khả năng cao là sẽ phải cắt bỏ bộ phận bị nhiễm bệnh.
Ngày nay, các căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư đang hoành hành và diễn biến vô cùng phức tạp. Không chỉ xuất hiện ở những người lớn tuổi, mà những người ở độ tuổi thiếu niên, thậm chí là trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh rất cao. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, việc rèn luyện thói quen tốt và ăn uống lành mạnh thôi chưa đủ, bạn còn phải thường xuyên theo dõi các dấu hiệu bất thường trên cơ thể và liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra nếu cần thiết.
Ảnh: Dailymail