1. Bình thản quan sát
Khi bạn gặp phải phiền não, đừng vội đổ lỗi mà hãy thử đặt mình vào địa vị người khác và tự hỏi cái gì đang động chạm đến mình và làm mình khó chịu đến vậy?
Có một điều chắc chắn đó là thay đổi bản thân dễ dàng hơn cải biến người khác. Sở dĩ người khác có thể khiến bạn đau khổ là bởi trong tâm bạn vẫn còn tồn giữ những ràng buộc, những cảm xúc tiêu cực. Khi người ta chạm đúng vào những thứ cảm xúc ấy, khiến nó bật lên, thì nỗi thống khổ sẽ ngập tràn trong lòng bạn. Điều ấy giống như việc người ta cầm trong tay một chiếc chai và xóc liên tục. Nếu trong chai có đầy đá dăm thì nó sẽ phát ra tiếng kêu chói tai, nếu trong chai chẳng có vật gì thì có lắc mạnh bao nhiêu cũng chẳng nghe thấy gì cả.
Nếu như có thể bình thản quan sát, tìm hiểu rõ căn nguyên và chịu chấp nhận vấn đề thì chẳng ai có thể làm bạn khó chịu nữa. Lúc đó bạn sẽ tịnh tâm nghĩ ra được hướng giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.

2. Giải quyết theo hướng tích cực
Khi bạn trở thành đối tượng bị ghen ghét trong lòng ai đó, thì bạn hãy chủ động đến với người đó, giãi bày tâm sự với thái độ chân tình, thẳng thắn, tỏ ý khiêm tốn học hỏi. Đây là cách xoa dịu lòng ghen ghét, nâng cao lòng tự tôn của đối phương, tâm trạng ghen ăn tức ở của người đó sẽ nguôi ngoai dần, quan hệ giữa hai bên sẽ hết căng thẳng.
Cuộc sống đời thường giúp ta nhận biết một điều, ai biết quan tâm giúp đỡ người khác, thì sẽ hay gặp may mắn hơn người chỉ biết chăm lo cho bản thân, ít ra thì họ cũng không bị người đời ghen ghét bằng những kẻ chỉ sống cho mình. Như vậy, nếu chẳng may ta bị ai đó ghen ghét thì hãy chủ động xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người đó, quan tâm, săn sóc họ, để họ hiểu rằng sở dĩ mình được như vậy là do cố gắng phấn đấu theo đuổi lí tưởng cao đẹp, mình cũng mong mỏi đối phương tiến bộ như mình, sự thành công của mình hoàn toàn không đe doạ đến số phận của mọi người xung quanh, mà là đáp ứng lòng kì vọng của họ. Đây là cách ngăn chặn thái độ ghen ghét, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên phát triển một cách lành mạnh.
"Thà bị người khác ghen ghét, quyết không để người ta thương hại", nếu thật sự không có cách gì ngăn trở được thói ghen ăn tức ở của người đời, thì hãy phớt lờ như không có chuyện gì xảy ra, mình cứ đi theo con đường đã chọn.

Mỗi ngày chúng ta phải đối diện với biết bao những điều không vừa ý, những bực bội và những tình huống mà những điều này vượt quá tầm kiểm soát của chúng ta. Nếu chúng ta có thể thay đổi được những điều đó thì quá tốt nhưng không phải lúc nào cũng có thể làm được. Chúng ta phải học cách làm quen với những việc này và chấp nhận chúng một cách vui vẻ.
Đừng tham lam ôm đồm mọi thứ quá mức. Nên tập buông bỏ cả về vật chất và tâm hồn. Đôi khi một món lợi nhỏ không chính đáng sẽ khiến chúng ta trả giá bằng những chuỗi ngày nhọc nhằn trong tâm hồn. Buông bỏ không phải là dửng dưng, thiếu quan tâm và lạnh nhạt mà nó là một khả năng để tư duy và phán xét một cách công bằng và logic. Đừng nên lo lắng nếu bạn thất bại, cứ cố gắng thực tập nó.

Sự an bình trong nội tâm sẽ đưa đến sự an bình của thế giới bên ngoài. Bằng cách tạo ra sự an bình trong thế giới nội tâm, chúng ta mang nó ra thế giới bên ngoài và điều đó có thể lan toả đến nhiều người khác xung quanh nữa!