Cuộc đời khốn khổ của những người tỵ nạn đươc tái hiện qua góc nhìn của các nhiếp ảnh gia Liên Hợp Quốc từng theo dõi về tình hình nhân đạo ở các điểm nóng xung đột trên khắp thế giới.

*Có thể bạn thích xem:
- Bộ ảnh đồng quê đẹp xuất thần của Abe Less
- Góc nhìn lạ về Sài Gòn của Rob Whitworth
- ’’Trước khi họ biến mất” của Jimmy Nelson
Liên hợp quốc nói người Rohingya, sống ở miền tây Miến Điện, là một trong những nhóm sắc tộc thiểu số bị đàn áp tàn tệ nhất thế giới. Nhiếp ảnh gia Saiful Huq Omi nói "một số ít những lời nói từ John [người tị nạn Rohingya] khiến tôi muốn lui lại một bước". "Bạn không thể vượt qua dòng sông Naaf và ngôi nhà của tôi nằm bên sông. Chỉ cách chỗ này có hai dặm, nhưng với tôi nó như là hai triệu dặm, một khoảng cách tôi sẽ không bao giờ có thể vượt qua. Mẹ tôi ở đó, nhà tôi ở đó. Nó rất gần đối với những người như anh, những người có hộ chiếu, có thể đi tới bất kỳ đâu họ muốn."

Nhiếp ảnh gia Sam Phelps nói: "Tôi cúi người xuống nền căn lều tạm, một bà cụ 70 tuổi trú tại L'Ecole Liberty trong thị trấn Bossangoa, Cộng hòa Trung Phi. Bà vừa nói vừa khóc, chung quanh là chút tài sản gia đình, những gì họ chỉ kịp vơ đi trước khi nhà cửa bị các tay súng chống-Balaka phá hủy vài tuần trước."

Phóng viên ảnh người Mỹ Lynsey Addario nói: "Âm nhạc vang lên từ khu trại lặng lẽ, và bên trong căn nhà của Yousra, 16 tuổi, một nhóm các thiếu nữ, phụ nữ rạng rỡ vỗ tay ăn mừng đám cưới diễn ra trong ngày. Sau gần một năm đưa tin về người tỵ nạn Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jorrdan, Iraq, và tại các trại dành cho những người phải ly tán nhà cửa ở ngay trong Syria, tôi cuối cùng đã được chứng kiến một cảnh hạnh phúc. Trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi tưởng tượng ra cuộc sống của họ ra sao khi họ còn được ở nhà."

Nhiếp ảnh gia Frederic Noy nói: "Vài tuần trước tôi tới Cameroon chụp hình những người tỵ nạn Trung Phi tới nơi sau khi bỏ chạy khỏi tình trạng bạo lực ở nước họ. Được chụp trong chuyến công tác này, với tôi, tấm hình mà tôi chọn chính là biểu tượng về cảnh ngộ khốn khổ của những người tỵ nạn. Một đứa trẻ Trung Phi ngủ trên tấm nệm. Tuy rõ ràng là rất đói nhưng nó vẫn nằm ngủ, yếu đuối và cảm thấy biết ơn."

Sebastian Rich, một nhiếp ảnh gia người Anh và là cameraman với "quá nhiều" hình xăm, nói: "Tại một trại ở Maban County, Nam Sudan, một cô bé chừng bảy tuổi đã đi theo tôi trong khi tôi chụp những tấm hình về cuộc sống thường nhật. Một bàn tay bé nhỏ, ấm áp nắm nhẹ cổ tay tôi. Tôi nhìn xuống và thấy cô bé chăm chú ngắm nhìn những chú bướm. Người phiên dịch, Mohammad, nói với tôi: "Cô bé nói trong trại thật là bẩn thỉu bụi bặm, cho nên cô bé muốn lấy những chú bướm từ cánh tay ông và đặt chúng vào túi áo của cô bé, để giữ cho những đôi cánh được sạch, xốp."

Andrew McConnell, người chụp hình Saada, người tỵ nạn Syria 102 tuổi, nói: "Saada là một phụ nữ bền bỉ. Bà mất bảy trong số 10 đứa con từ khi chúng còn nhỏ, mất đi người chồng từ 13 năm trước và nay, mất nối đất nước mình. Ngay cả khi bom bắt đầu dội xuống vùng đất của mình, bà ấy vẫn tiếp tục với nếp sống thường nhật. "Tôi ngồi bên ngoài, phân loại ô-liu và máy bay bay trên đầu. Họ kêu gọi, gào thét phía trên, bảo tôi phải vào trong, nhưng tôi hỏi họ: "Vì sao? Chiếc máy bay không cần gì từ tôi hết. Tôi sẽ không tấn công nó bằng những trái ô-liu."

Phóng viên ảnh người Anh Jason Tanner nói: "Tôi cứ chần chừ, muốn giành thời gian trong hai năm để tìm cách tiếp cận và chụp hình những đối tượng bị bạo lực tình dục trong cuộc xung đột. Có những tấm chân dung 'vô danh' nhằm bảo vệ danh tính của đối tượng là những kỹ năng thách thức nhất cho một nhiếp ảnh gia. Những lời kể của Maria [không phải tên thật của nhân vật] về hoàn cảnh đau lòng của cô và bối cảnh cuộc phỏng vấn khiến tôi nghĩ tới trách nhiệm phải chăm sóc, những trách nhiệm và nghĩa vụ mà chúng tôi, những người cầm máy, phải thực hiện để đền đáp niềm tin, những rủi ro và đôi khi cả lòng dũng cảm mà những người tỵ nạn dành cho chúng tôi."

Helene Caux trong chuyến công tác tới Burkina Faso làm cho Cao ủy Liên hợp quốc về Người tỵ nạn nói: "Tôi đã định bỏ cuộc trong môi trường khốn cùng này, nhưng rồi tôi nhìn thấy một cô bé đứng ngay trước mặt tôi, giữa cơn bão cát cuồng nộ. Sau đó tôi được biết cô bé tên là Assafa, 6 tuổi. Assafa cùng gia đình và toàn bộ người tỵ nạn từ trạn Damba được chuyển tới một trái gần đó, ở Mentao. Cô bé tiếp tục đi học. "Cháu muốn trở thành giáo viên," cô bé nói. "Và cháu muốn trở về nhà ở Mali."

Nhiếp ảnh gia Evelyn Hockstein nói: "Người chú của Naima bị giết chết tại Ethiopia do tham gia phong trào Oromo. Cha mẹ của chị bỏ chạy khỏi Kenya như những người tỵ nạn chính trị, trước khi được cho tới California. Bây giờ, Naima [chụp chung cùng con trai trong hình này] làm nhân viên cho Ủy ban Cứu trợ Quốc tế ở Atlanta. "Tôi thích làm việc với khách hàng," chị nói. "Tôi nhìn thấy cha mẹ mình, thấy mình trong họ." Naima có kế hoạch tập trung vào sức khỏe phụ nữ và sức khỏe nói chung, để những người phụ nữ tỵ nạn có thể lên tiếng mạnh mẽ hơn.

Nhiếp ảnh gia Phil Beham nói: "Điều khiến tôi bị ấn tượng ngay lập tức là độ tuổi của người phụ nữ này. Bà ấy tên là Rasoul, 75 tuổi và bị buộc phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực phe phái tại bang Rakhine của Miến Điện. Sau khi chụp hình bà, tôi tự hỏi minh: "Làm sao mà một người ở độ tuổi đó có thể thích nghi được với hoàn cảnh đó?" Hãy tưởng tượng là bà của bạn phải sống trong số phận đó, có lẽ bạn sẽ hiểu được cuộc sống phải ly tán là khốn khổ tới mức nào."
- Bộ ảnh đồng quê đẹp xuất thần của Abe Less
- Góc nhìn lạ về Sài Gòn của Rob Whitworth
- ’’Trước khi họ biến mất” của Jimmy Nelson
BBT xin chân thành cảm ơn thành viên Gen Trần đã chia sẻ nội dung này đến bạn đọc của MLOG. Nguồn: Reds |